Chính phủ Estonia khuyến cáo người dân tích trữ thực phẩm, nước, thuốc men, nguồn sáng thay thế để đề phòng tình trạng mất điện khi đất nước này ngừng kết nối với hệ thống năng lượng Nga vào ngày 8/2 tới đây.
Cảnh báo này được hãng ERR của Estonia đưa tin, trích dẫn nguồn tin từ Cục Phòng ngừa Rủi ro của nước này.
Estonia, cùng với các quốc gia láng giềng Latvia và Litva - tất cả đều là thành viên của NATO và Liên minh châu Âu (EU), đang chuẩn bị chuyển sang lưới điện châu Âu như một phần trong nỗ lực cắt đứt mối liên hệ năng lượng với Moskva.
Theo ông Toomas Kapp, Giám đốc Công ty cấp nước Tartu tại Estonia, các vấn đề như hỏng cáp truyền dẫn hoặc cháy trạm biến áp có thể phát sinh bất ngờ khi kết nối với lưới điện châu Âu - được gọi là ENTSO-E. Tuy nhiên, ông bày tỏ tin tưởng rằng hệ thống sẽ có thể xử lý hiệu quả mọi tình huống bất ngờ trên.
Quốc gia ở vùng Baltic này hiện là một bên trong hệ thống BRELL - mạng lưới điện kết nối các hệ thống điện của Belarus, Nga, Estonia, Latvia và Litva. Hệ thống trên được thành lập theo một thỏa thuận vào năm 2001. Theo đó, các quốc gia cùng cam kết trao đổi điện và hỗ trợ lẫn nhau trong các trường hợp khẩn cấp.
Trước đó, Thủ tướng Estonia Kristen Michal đã tuyên bố rằng kịch bản xấu nhất sau khi rời khỏi BRELL có thể khiến tình trạng mất điện kéo dài tới 72 giờ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Estonia đã chuẩn bị cho mọi tình huống nhưng lưu ý tầm quan trọng của việc lập một kế hoạch cụ thể, thận trọng cũng như cần duy trì sự bình tĩnh để xử lý.
Quyết định của Estonia, Latvia và Litva về việc ngắt kết nối khỏi BRELL và tiến hành kết nối với ENTSO-E được đưa ra vào năm 2018. Trong tháng này, từng quốc gia riêng biệt có kế hoạch thử nghiệm lưới điện của mình trước khi kết nối với hệ thống năng lượng EU thông qua Ba Lan.
Các quốc gia vùng Baltic đã nhiều lần tuyên bố rằng sự phụ thuộc vào mạng lưới do Moskva kiểm soát sẽ tạo ra mối đe dọa nếu Nga vũ khí hóa nguồn cung cấp điện và tiến hành việc ngắt kết nối của các nước này khỏi mạng lưới BRELL.
Theo RT, việc chuyển sang lưới điện châu Âu có thể khiến 3 quốc gia Estonia, Latvia và Litva phải đối mặt với tình trạng giá điện tăng cao hơn so với thời điểm hiện tại. Giá điện của Nga, do nhà nước quản lý, được xem là thấp nhất trên thế giới với mức trung bình chỉ khoảng 0,055 USD/kWh cho người tiêu dùng vào năm 2024. Trong khi đó, giá điện ở EU thay đổi tùy theo từng quốc gia. Tại Đức, quốc gia có giá điện cao nhất khu vực được công bố ở mức giá khoảng 0,3951 euro (0,40 USD) cho mỗi kWh vào năm ngoái.
Trả lời phóng viên vào ngày 31/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc Estonia ngừng kết nối với hệ thống BRELL sẽ không ảnh hưởng đến vấn đề an ninh năng lượng của Liên bang Nga.
"Những kế hoạch này đã được công bố từ lâu. Các nhà cung cấp điện của chúng tôi đã thực hiện các biện pháp để đảm bảo tình liên tục, đáng tin cậy trong hoạt động của hệ thống năng lượng thống nhất của chúng tôi", ông nói thêm.