Theo hãng tin AP của Mỹ, OL3 là lò phản ứng mới đầu tiên của Tây Âu trong hơn 15 năm. Việc OL3 đi vào hoạt động sẽ giúp Phần Lan đạt được các mục tiêu trung hòa carbon của mình và tăng cường an ninh năng lượng vào thời điểm các nước châu Âu cắt giảm nguồn cung cấp dầu, khí đốt và các nguồn năng lượng khác từ Nga, nước láng giềng của Phần Lan.
Về phần mình, Chủ tịch đồng thời là Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn TVO sở hữu OL3, ông Jarmo Tanhua, phát biểu với báo giới rằng việc OL3 đi vào sản xuất sẽ giúp ổn định giá điện, đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh của Phần Lan. Đồng thời, dòng điện từ OL3 sẽ bổ sung đáng kể cho hoạt động sản xuất sạch trong nước.
Hãng tin Reuters của Anh cho biết thêm việc OL3 đi vào hoạt động bình thường sẽ giúp tăng cường an ninh năng lượng trong khu vực mà Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt và điện.
Vào tháng 5/2022, công ty điện lực Inter RAO của Nga đã dừng xuất khẩu điện sang Phần Lan với lý do chưa nhận được thanh toán cho lượng năng lượng đã bán mà theo Reuters, đây là hậu quả của khoảng cách ngày càng lớn giữa Moskva và châu Âu về xung đột ở Ukraine.
Không lâu sau, Gazprom, tập đoàn độc quyền xuất khẩu của Nga, cũng kết thúc các chuyến vận chuyển khí đốt tự nhiên đến quốc gia Bắc Âu này.
OL3 là lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu, có khả năng cung cấp 1.600 megawatt, nằm ở Phần Lan, được khởi công vào năm 2005, dự kiến sẽ hoàn thành vào 4 năm sau đó. Tuy nhiên, dự án đã bị cản trở bởi một số vấn đề công nghệ dẫn đến các vụ kiện.
Tháng 3/2022, OL đã được đấu nối với mạng lưới điện quốc gia của Phần Lan vào và dự kiến sẽ sản xuất bình thường vào 4 tháng sau đó, nhưng một loạt sự cố đã xảy ra khiến các chuyên gia phải mất nhiều tháng để khắc phục.