Để bảo vệ các công ty trước tác động của dịch bệnh, liên minh cầm quyền ở Đức đã thông qua một số biện pháp khẩn nhằm giúp các công ty tránh bị phá sản cũng như bị mất việc làm. Trong đó, có việc linh hoạt thời gian làm việc ngắn, nói cách khác là giảm thời gian làm việc bắt buộc cho người lao động nếu có 10% số lao động trong công ty có nguy cơ mất việc (quy định trước đây là mức 1/3). Trong trường hợp một công ty áp dụng quy định này, Cơ quan Lao động liên bang sẽ hỗ trợ 60% lương ròng cho thời gian bị rút ngắn, cũng như hỗ trợ các khoản đóng góp xã hội cho số giờ làm bị giảm. Bên cạnh đó, Chính phủ Đức cũng sẽ hỗ trợ khả năng thanh khoản, cung cấp bảo lãnh và khả năng giảm thuế cho các công ty bị ảnh hưởng nặng do dịch COVID-19.
Liên minh cầm quyền cũng nhất trí từ năm 2021 - 2024 sẽ tăng đầu tư mỗi năm 3,1 tỷ euro trong khoản tổng đầu tư trị giá 12,4 tỷ euro để xây dựng các trường học, cầu đường và nhà ở xã hội.
Về tình hình dịch bệnh ở Đức, tính đến hết ngày 9/3, nước này đã ghi nhận 1.224 trường hợp nhiễm bệnh và 2 trường hợp tử vong. Chính phủ liên bang Đức cũng đã quyết định hủy Diễn đàn Đối thoại chuyển đổi năng lượng ở Berlin, vốn diễn ra hàng năm với sự tham gia của khoảng 2.000 người từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, phát ngôn viên Phủ Tổng thống Séc Jiří Ovčáček ngày 9/3 đã xác nhận việc hoãn Diễn đàn doanh nghiệp Mỹ-Séc, dự kiến tổ chức tại Lâu đài Praha ngày 12/3 tới.
Đại sứ quán Mỹ tại Praha cũng công bố trong thông cáo báo chí rằng sau khi tham khảo ý kiến, chính quyền Séc đã đồng ý hoãn diễn đàn. Chủ tịch Phòng Thương mại Séc Vladimir Dlouhy nêu lý do hoãn là vì diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Thời điểm mới để tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Mỹ-Séc chưa được xác định, tuy nhiên các đối tác Séc và Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ chuẩn bị cho sự kiện.