Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tham dự buổi lễ cùng với Tổng thống Steinmeier còn có Chủ tịch Hạ viện Bärbel Bas (đảng Dân chủ Xã hội - SPD), Chủ tịch Thượng viện Manuela Schwesig (đảng SPD), Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Stephan Harbarth (đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo - CDU) và Thủ tướng Olaf Scholz (đảng SPD). Trong số khoảng 1.100 khách mời có cựu Thủ tướng Gerhard Schröder (đảng SPD) và cựu Thủ tướng Angela Merkel (đảng CDU) và cựu Tổng thống Joachim Gauck. Khoảng 1.000 cảnh sát đã được huy động để đảm bảo an ninh và điều phối giao thông.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Steinmeier nhấn mạnh Luật Cơ bản phải được duy trì, gìn giữ và bảo vệ trong cuộc sống hằng ngày. Ông bày tỏ tin tưởng đây là bản hiến pháp tốt nhất mà nước Đức tạo ra, trở thành một trong những hiến pháp lâu đời nhất trên thế giới và là hình mẫu cho nhiều hiến pháp khác.
Tổng thống Steinmeier cho rằng người dân Đức sẽ phải đối mặt với những thời điểm khó khăn hơn trong tương lai, đồng thời kêu gọi người dân đề cao ý chí tự khẳng định mình. Ở thời điểm hiện tại, nhà lãnh đạo Đức khẳng định nước này cần phải làm nhiều hơn nữa vì an ninh và cần đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng cũng như tăng cường liên minh để giải quyết những xung đột mới nảy sinh do biến đổi khí hậu, an sinh xã hội và khủng hoảng kinh tế.
Khi Luật Cơ bản được thông qua vào ngày 23/5/1949, văn kiện này chỉ áp dụng cho Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức), được chính thức thành lập cùng ngày. Tới ngày 31/8/1990, Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) đồng ý thống nhất nước Đức trong Hiệp ước Thống nhất. Sau khi nước Đức chính thức được thống nhất vào ngày 3/10/1990, Luật Cơ bản đã trở thành hiến pháp cho cả nước.