Dự trữ quốc tế của Nga đạt mức cao nhất lịch sử

Theo dữ liệu chính thức, lượng dự trữ của Nga đã tăng gần 10 tỷ USD trong tháng qua.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo đài RT, ngày 4/7, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết dự trữ quốc tế của nước này đã đạt mức kỷ lục 687,7 tỷ USD vào cuối tháng 6. Hơn 300 tỷ USD trong số đó vẫn đang bị phong tỏa ở phương Tây do xung đột tại Ukraine - động thái mà Nga cho là bất hợp pháp.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, dự trữ đã tăng 500 triệu USD, tương đương 0,1%, trong tuần kết thúc vào ngày 20/6 nhờ đánh giá lại tích cực từ thị trường. Trong vòng một tháng qua, con số này đã tăng thêm 9 tỷ USD. Mức cao kỷ lục trước đó là 687,3 tỷ USD, được ghi nhận vào đầu tháng 5.

Ngân hàng Trung ương Nga công bố dữ liệu dự trữ quốc tế hằng tuần với độ trễ một tuần. Khoản dự trữ này bao gồm ngoại tệ, quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF và vàng tiền tệ (tức là vàng do ngân hàng trung ương sở hữu và nắm giữ làm tài sản dự trữ).

Khoảng một nửa lượng dự trữ quốc tế của Nga (hơn 300 tỷ USD) đã bị phương Tây phong tỏa vào đầu năm 2022 sau khi xung đột tại Ukraine leo thang. Ngân hàng Trung ương Nga không công bố chi tiết đầy đủ về phần tài sản bị phong tỏa.

Khoảng 2/3 số tiền bị đóng băng được giữ tại Euroclear (công ty thanh toán bù trừ có trụ sở tại Brussels) và số tiền này đã tạo ra hàng tỷ euro tiền lãi. Một số nước phương Tây đã thúc đẩy tịch thu hoàn toàn số tài sản này, song các lo ngại pháp lý và chính trị đến nay vẫn khiến đề xuất này bị đình trệ. Dù vậy, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã bật đèn xanh cho việc sử dụng phần lợi nhuận thu được từ tài sản bị đóng băng để hỗ trợ Ukraine.

Năm 2024, Euroclear đã chuyển 1,5 tỷ euro tiền lãi để hỗ trợ khoản vay 50 tỷ USD của Nhóm G7 dành cho Ukraine. Ủy ban châu Âu sau đó đã giải ngân 7 tỷ euro từ phần 18,1 tỷ euro trong khoản vay trên, số còn lại sẽ được hoàn trả bằng nguồn thu từ tài sản bị phong tỏa của Nga. EU cũng đang xem xét các phương án đầu tư số tài sản bị đóng băng vào các công cụ có lợi suất cao hơn. Theo thông tin từ tờ Politico hồi tháng trước, một số quan chức EU giấu tên tiết lộ khối này đang cân nhắc thành lập một quỹ do EU quản lý nhằm tăng lợi nhuận mà không cần tịch thu tài sản gốc. Ý tưởng này đang bị Đức và Italy phản đối vì rủi ro pháp lý và tài chính.

Nga đã lên án hành động phong tỏa tài sản và ám chỉ khả năng sẽ có các biện pháp trả đũa nhằm vào đầu tư và tài sản của phương Tây tại Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cho rằng gọi hành động này là “trộm cắp” còn quá nhẹ. Ông mô tả việc phương Tây sử dụng tiền Nga là “cướp bóc”. Ông cảnh báo hành động tịch thu nào cũng sẽ khiến Nga rời xa các định chế tài chính phương Tây và chuyển sang các hệ thống thanh toán khu vực.

Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc
EU lên kế hoạch đầu tư mạo hiểm để tăng lợi nhuận từ tài sản Nga bị đóng băng
EU lên kế hoạch đầu tư mạo hiểm để tăng lợi nhuận từ tài sản Nga bị đóng băng

Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét chuyển gần 200 tỷ euro tài sản nhà nước Nga bị phong tỏa sang quỹ đầu tư rủi ro cao nhằm tạo thêm lợi nhuận hỗ trợ Ukraine, trong khi vẫn giữ nguyên phần vốn gốc để tránh vi phạm luật pháp quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN