Theo đó, các đội cứu hộ Myanmar với rất ít thiết bị bảo vệ, đôi khi chỉ sử dụng tay không, đã vội vã giải cứu những người sống sót khỏi đống đổ nát của vô số tòa nhà bị trận động đất mạnh 7,7 độ phá hủy trong ngày 28/3. Họ dường như đã gần như kiệt sức vì phải làm việc liên tục, chạy đua với thời gian để cứu người cũng như đưa những thi thể ra khỏi đống đổ nát.
Video người dân dùng tay không để giúp một người bị mắc kẹt trong đống đổ nát thoát ra ngoài. Nguồn: Mạng xã hội.
Tuy nhiên, những nhân viên cứu hộ kiệt sức này đã có một khoảnh khắc vui mừng ngắn ngủi khi một phụ nữ 30 tuổi được giải cứu sống sau hơn 30 giờ mắc kẹt dưới một tòa nhà chung cư ở Mandalay - thành phố lớn thứ hai của Myanmar và là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo AFP, chị Phyu Lay Khaing, người được đưa ra khỏi Sky Villa Condominium, một tòa nhà 12 tầng, bằng cáng, đã được chồng cô, anh Ye Aung, ôm và đưa đến bệnh viện. Tuy vậy, nhiều người vẫn lo ngại rằng có hơn 90 người vẫn bị mắc kẹt ở đó trong tòa nhà trên.
Chị Phyu Lay Khaing, 30 tuổi, gặp lại chồng sau khi được các nhân viên cứu hộ đưa ra khỏi đống đổ nát của toà chung cư Sky Villa bị sập. Ảnh: The Sun/TTXVN
Theo báo cáo cuối ngày 29/3 từ giới chức Myanmar, số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất mạnh xảy ra tại nước này vào trưa 28/3 tại nước này đã tăng lên 1.644 người, gần 2.400 người bị thương. Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm 30 người mất tích tại thành phố Mandalay, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Các chuyên gia cảnh báo rằng Myanmar có thể còn phải đối mặt với nhiều trận động đất và dư chấn mạnh trong thời gian tới. Các mô hình dự báo thảm họa cho thấy con số thương vong có thể lên đến hàng chục nghìn người.
Những con số báo cáo nêu trên chỉ là sơ bộ khi hệ thống liên lạc tại nhiều địa phương bị tê liệt do cơ sở hạ tầng bị phá hủy hoàn toàn trong thảm họa động đất.
Để hỗ trợ Myanmar trong nỗ lực cứu hộ, cứu nạn, nhiều quốc gia và tổ chức đã gửi nhân lực, vật lực đến giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Ngày 29/3, Trung Quốc đã gửi đội cứu hộ gồm 82 người tới. Ngoài ra, một đội cứu hộ khác từ tỉnh Vân Nam cũng đã có mặt tại thành phố Yangon của Myanmar. Theo Cơ quan Hỗ trợ quốc tế của Trung Quốc, Bắc Kinh cam kết hỗ trợ 100 triệu Nhân dân tệ (13,8 triệu USD) dưới dạng viện trợ nhân đạo khẩn cấp, với các chuyến hàng cứu trợ bắt đầu được gửi đi từ ngày 31/3. Cùng ngày, Hong Kong (Trung Quốc) đã cử 51 nhân viên cứu hộ, hai chó nghiệp vụ và chuyển 9 tấn thiết bị đến Myanmar.
Phía Nga cũng đã điều động 2 máy bay chở theo đội cứu hộ và y bác sĩ gồm 120 người đến Myanmar. Lực lượng cứu hộ còn mang theo đội chó nghiệp vụ chuyên tìm kiếm người sống sót dưới đống đổ nát. Các chuyên gia gây mê và bác sĩ tâm lý cũng tham gia đội cứu hộ, có nhiệm vụ hỗ trợ những người bị thương và những người sống sót trong tình trạng hoảng loạn.
Một chuyến bay viện trợ của Ấn Độ đã hạ cánh xuống Myanmar. Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết máy bay vận tải quân sự C-130 đã chở theo các bộ dụng cụ vệ sinh, chăn màn, lương thực và các nhu yếu phẩm khác. Ngoài hàng hóa, Ấn Độ cũng đã cử một đội tìm kiếm cứu nạn và đội y tế cùng sang Myanmar trên chuyến bay này. Ông cho biết Ấn Độ sẽ theo dõi tình hình để có cứu trợ kịp thời.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang huy động trung tâm hậu cần tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất) để chuẩn bị vật tư y tế cấp cứu cho nạn nhân động đất. WHO cũng đã kích hoạt cơ chế phản ứng khẩn cấp và đang điều phối công tác cứu trợ từ trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ).
Liên minh châu Âu (EU) công bố khoản viện trợ khẩn cấp 2,5 triệu Euro (2,7 triệu USD), Malaysia, Hàn Quốc và New Zealand cũng đã công bố hỗ trợ Myanmar về nhân sự và viện trợ nhu yếu phẩm cần thiết.
Thái Lan, quốc gia láng giềng với Myanmar, tuy cũng chịu tác động không nhỏ từ động đất nhưng cũng đã tuyên bố cử lực lượng quân đội sang hỗ trợ. Theo đó trong ngày ngày 30/3, một nhóm gồm 49 quân nhân thuộc Lực lượng vũ trang Hoàng gia Thái Lan sẽ đến Myanmar. Nhóm này sẽ bao gồm các chuyên gia tìm kiếm và cứu hộ, nhân viên y tế cùng các vật tư y tế thiết yếu. Lực lượng trên sẽ di chuyển đến Myanmar bằng máy bay C-130 của Không quân Hoàng gia Thái Lan.
Trong khi đó, thủ đô Bangkok của Thái Lan, cách tâm chấn hơn 1.000 km, đã xác nhận có 10 người thiệt mạng, trong đó phần lớn nạn nhân là công nhân bị chôn vùi trong đống đổ nát của tòa nhà cao 30 tầng đang được xây dựng bị đổ sập.