Một ngôi nhà bị hư hại sau động đất tại Wajima, tỉnh Ishikawa, Nhật Bản ngày 1/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Chile nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, một trong những khu vực dễ xảy ra động đất nhất thế giới và đã phải đối mặt với khoảng 10 trận động đất có độ lớn hơn 7 trong 50 năm qua. Đáng chú ý là số người thiệt mạng tại Chile do động đất vẫn giữ ở mức thấp. Văn phòng Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định điều này một phần là nhờ vào các quy tắc xây dựng nghiêm ngặt của Chile.
Các quy tắc đã được cập nhật sau khi quốc gia này phải đối mặt với trận động đất lớn nhất thế giới vào năm 1960. Những quy tắc tại Chile đảm bảo rằng các tòa nhà có thể lắc lư theo sóng địa chấn, giúp giảm thiểu tác động từ động đất.
Theo kênh Al Jazeera, động đất xảy ra khi những mảng đá khổng lồ tạo nên lớp vỏ Trái Đất, được gọi là các mảng kiến tạo, di chuyển chèn ép lẫn nhau. Khi động đất xảy ra, nó tạo ra lực ngang, làm rung chuyển các tòa nhà từ bên này sang bên kia. Vì các tòa nhà được làm bằng bê tông, chắc chắn nhưng ít linh hoạt, nên lực này có thể khiến bê tông bị nứt.
Các kiến trúc sư có thể khắc phục điều này bằng cách bổ sung thêm bộ khung thép linh hoạt làm từ thanh cốt thép. Đúc thanh cốt thép bên trong bê tông giúp đẩy mạnh cường độ tổng thể của bê tông và tăng khả năng chịu lực. Điều này là do thanh cốt thép có đặc tính đàn hồi và có thể giúp tòa nhà trở lại hình dạng ban đầu.
Các tòa nhà cũng có thể được lắp đặt hệ thống “cách ly nền” để tách tòa nhà khỏi nền móng thông qua việc sử dụng lò xo hoặc thanh trượt. Như vậy, khi động đất xảy ra, chuyển động sẽ không gây áp lực lên kết cấu của tòa nhà. Hệ thống này được áp dụng ở Nhật Bản, nơi các công trình được dựng trên bộ giảm xóc, chẳng hạn như các khối cao su dày, để giúp chúng ổn định trong thời gian xảy ra động đất.
Tờ New York Times (Mỹ) đưa tin, sau trận động đất Kobe năm 1995 khiến hơn 6.000 người thiệt mạng, Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng để giúp cho các tòa nhà có khả năng chống chịu động đất, bao gồm cả việc cải tạo các công trình cũ. Tương tự Chile, Nhật Bản đã ban hành bộ quy tắc nghiêm ngặt để đảm bảo các tòa nhà có thể chống chịu được động đất.
“Thiệt hại về công trình là nguyên nhân chính gây tử vong, thương tích và mất mát tài sản do động đất gây ra”, Hội đồng Khả năng phục hồi của Mỹ, đơn vị điều hành các hệ thống đánh giá hiệu suất xây dựng cho biết.
Hội đồng Khả năng phục hồi đánh giá rằng việc đảm bảo các tòa nhà có thể chịu được động đất không chỉ giúp cứu mạng sống và ngăn ngừa thương tích mà còn giảm hậu quả kinh tế của những thảm họa này.
Ngoài ra còn có lợi ích về môi trường, vì giảm hư hại công trình đồng nghĩa với lượng mảnh vỡ thải ra môi trường ít hơn. Bên cạnh đó, không cần nỗ lực tái thiết, giúp giảm phát thải và tiêu thụ vật liệu.
Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với chi phí lên tới 85 tỷ USD sau trận động đất vào đầu năm 2023, trong đó hơn 70 tỷ USD để sửa chữa nhà cửa.
Theo Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các thảm họa thiên nhiên như động đất, lũ lụt và cháy rừng là rủi ro nghiêm trọng thứ hai mà thế giới phải đối mặt trong hai năm tới.