Đối đầu Iran-Saudi Arabia và mâu thuẫn giữa dòng Sunni và Shiite

“Lò lửa” Trung Đông lại thêm nóng do những căng thẳng mới đây giữa Iran và Saudi Arabia liên quan đến việc chính quyền Ryiardh hành quyết giáo sĩ Nimr al-Nimr. Ẩn sau đó là những đối đầu âm ỉ bấy lâu giữa hai nhà nước đại diện cho hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite.

Ngày 3/1, Ngoại trưởng Adel al-Jubeir Jubeir bất ngờ tuyên bố nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran, đồng thời lệnh cho nhân viên ngoại giao Iran có 48 tiếng để rời khỏi Saudi Arabia. Quyết định được đưa ra sau khi xảy ra vụ biểu tình bạo lực tại Iran khi người biểu tình đột nhập vào Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran và đốt phá khu vực này. 


Người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite cùng cầu nguyện ở Beirut, Lebanon, phản đối việc hành quyết giáo sĩ Nimr al-Nimr. Ảnh: AP

Đến ngày 4/1, ông Jubeir khẳng định sẽ cắt đứt hoạt động giao thông đường không với Iran và cấm người dân du lịch tới Iran. Gần như đồng thời, một số quốc gia “đồng minh” của Saudi Arabia trong khu vực và có cộng đồng người Sunni chiếm đa số cũng có những quyết định vào hùa với Riyard. Bahrain và Sudan tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, còn Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hạ cấp quan hệ với Tehran khi triệu Đại sứ về nước. 


Phản ứng trước các bước đi trên, Lãnh tụ tinh thần của Iran, Đại Giáo chủ Ali Khamenei cảnh báo Saudi Arabia sẽ phải đối mặt với "cuộc báo thù thần thánh". Bộ Ngoại giao Iran lên tiếng cáo buộc Ryiardh là bên kích động bất ổn, tìm kiếm sự tồn tại thông qua những căng thẳng, mâu thuẫn tại khu vực. 


Căng thẳng xuất hiện sau vụ Saudi Arabia xử tử 47 tù nhân bất đồng chính kiến, trong đó có giáo sĩ dòng Shiite Nimr. Tuy nhiên, khủng hoảng lần này được cho là tình cảnh “giọt nước tràn ly” liên quan đến đối đầu giữa Iran và Saudi Ẩbia xung quanh đến điểm nóng Syria và Yemen mà ở đó Ryiardh và Tehran đứng ở hai chiến tuyến đối lập. Nhìn rộng ra, nó còn là mâu thuẫn âm ỉ, dai dẳng bấy lâu giữa dòng Sunni và Shiite tại khu vực. 


Sự phân chia giữa dòng Sunni và Shiite


Sự phân ly trong đạo Hồi xuất hiện vào năm 632 sau Công nguyên, tại thời điểm nhà tiên tri Mohammad qua đời mà không chỉ định người kế tục. Một vài môn đồ của ông tin rằng vai trò Caliph (người nối nghiệp của đấng tiên tri) cần được truyền theo con đường huyết thống của Mohammad, bắt đầu bằng người họ hàng và con rể của ông – Ali ibn Abi Talib. Nhưng số khác thì thuận theo quan điểm người kế vị cần phải được bầu chọn theo nguyên tắc đồng thuận. Ngôi vị Caliph rốt cuộc được trao cho Abu Bakr, tín hữu và là người bạn tin cẩn của Mohammad. Ali cuối cùng trở thành Caliph thứ tư sau khi hai người kế vị Abu Bakr trước đó bị sát hại. Năm 661, đến lượt Ali bị một người dị giáo dùng kiếm tẩm thuốc độc sát hại tại một thánh đường ở Kufa (nay thuộc Iraq), hai người con của ông là Hasan rồi tới Hussein lần lượt tuyên bố kế vị. Thế nhưng đến năm 680, Hussein và nhiều người họ hàng bị thảm sát trong cuộc chiến ở Karbala (Iraq). Đây cũng là thời điểm đưa tới sự chia rẽ chính thức. 


Cái chết tử vì đạo của Hussein trở thành nguyên lý trung tâm đối với những người cho rằng Ali là người kế vị phù hợp của nhà tiên tri. Số này trở thành người Shiite (cách viết rút gọn của Shiat Ali) có nghĩa là “tín đồ của Ali”. Người Sunni (thế lực chiến thắng trong cuộc chiến ở Karbala) thì lại cho rằng 3 đời Caliph trước Ali mới là hợp lệ và họ coi mình là người đi theo truyền thống của nhà tiên tri. Tầng lớp cai trị Sunni sau đó bước vào một cuộc chinh phạt mở rộng “vương quốc” (Caliphate), trải rộng từ Bắc Phi tới châu Âu. Caliphate cuối cùng tan biến sau sự sụp đổ của đế chế Ottoman. 


Về mặt giáo lý, không có quá nhiều khác biệt giữa dòng Shiite và Sunni. Các tín đồ Hồi giáo giờ đều thừa nhận Allah là vị Chúa duy nhất và Mohammad là sứ giả của ngài. Cả người Shiite và Sunni đều tuân theo 5 nghi thức trụ cột của Hồi giáo, trong đó có tháng ăn chay Ramadan và chung thánh kinh Koran. Khác biệt giữa hai dòng này là ở chỗ trong khi các tín độ Sunni phụ thuộc rất nhiều vào nhà tiên tri và việc thực hành và giáo lý của ngài, thì người Shiite cho rằng các thủ lĩnh ayatollah của họ là hiện thân của Chúa. Nói cách khác, người người Sunni nhấn mạnh quyền năng của Chúa trong thế giới thực, kể cả trong lãnh địa chính trị và cộng đồng, thì các tín độ Shiite lại đánh giá cao sự hy sinh, xả thân theo kiểu tử vì đạo. 


Người Sunni hiện chiếm hơn 85% trong 1,5 tỷ người Hồi giáo trên thế giới. Họ sinh sống chủ yếu tại các quốc gia Arab và Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Malaysia và Indonesia. Ở chiều hướng ngược lại, Iran, Iraq và Bahrain là những quốc gia mà người Shiite chiếm đa số. Saudi Arabia và Iran được cho la hai thế lực đại diện cho dòng Sunni và Shiite ở Trung Đông và đứng ở hai phía đối lập trong các xung đột tại khu vực. Ở Yemen phiến quân Houthis dòng Shiite tiến hành lật đổ chính quyền dòng Sunni, buộc Arab Saudi phải đứng ra thành lập liên minh để can dự. Tại Syria, nơi phần lớn dân số là dòng Sunni, Tổng thống Bashar al-Assad thuộc nhánh Alawite dòng Shiite đang cố gắng giữ chính quyền trong cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm. Còn ở Iraq, sự bất đồng giữa chính quyền dòng Shiite và cộng đồng người Sunni đã tạo điều kiện cho phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) giành nhiều thắng lợi. 


Hoài Thanh (Theo Nytimes, Reuters)
Cộng đồng quốc tế kêu gọi Iran-Saudi Arabia hạ nhiệt
Cộng đồng quốc tế kêu gọi Iran-Saudi Arabia hạ nhiệt

Trước những căng thẳng leo thang giữa Iran và Saudi Arabia, ngày 4/1, hàng loạt quốc gia đã lên tiếng kêu gọi hai bên kiềm chế và giải quyết bất đồng bằng đối thoại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN