Giáo sĩ dòng Shi'ite bị Saudi Arabia xử tử là ai?

Thế giới đang liên tục dõi theo mối quan hệ vốn đã có phần gay gắt từ trước giữa hai quốc gia Trung Đông Iran và Saudi Arabia đạt căng thẳng đỉnh điểm sau vụ hành quyết giáo sĩ Nimr al-Nimr người Shi'ite. Câu hỏi được đặt ra là thân thế của vị giáo sĩ này ra sao mà việc xử tử ông lại khiến cả đất nước Iran kích động?


Quang cảnh cuộc biểu tình phản đối vụ hành quyết giáo sĩ tại Lahore, Pakistan ngày 3/1. Hình ảnh giáo sĩ Nimr al-Nimr trên áp phích biểu tình. AFP/TTXVN

Việc hành quyết giáo sĩ Nimr al-Nimr đã khiến cộng đồng người Hồi giáo dòng Shi'ite tại nhiều nơi trên thế giới dậy sóng và tổ chức các cuộc biểu tình bạo động phản đối quyết định này, đặc biệt là người dân Iran.

Nhiều người biểu tình tại thủ đô Tehran đã tập trung tại Đại sứ quán Saudi, ném cầu lửa, đốt phá tòa nhà. Lãnh tụ tinh thần của Iran, Đại Giáo chủ Ali Khamenei ngày 3/1
phẫn nộ cảnh báo giới chức Saudi sẽ phải chịu “sự trả thù của thần thánh” do hành động mà họ gây ra. 

Về phía chính quyền Riyadh, Ngoại trưởng Adel al-Jubeir bất ngờ tuyên bố Saudi Arabia sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran và yêu cầu toàn bộ nhân viên ngoại giao Iran phải rời khỏi vương quốc này trong vòng 48 giờ đồng hồ. 

Vậy câu hỏi được đặt ra là thân thế của vị giáo sĩ kia như thế nào mà việc xử tử ông lại khiến cả đất nước Iran kích động như vậy? 

Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite Nimr al-Nimr là một nhân vật chủ chốt nổi tiếng trong các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2011 ở Miền Đông Saudi Arabia. Trong năm 2009, ông đe dọa sẽ tách tỉnh Miền Đông – nơi cộng đồng Shi’ite thiểu số sinh sống và cũng là vùng sản xuất dầu mỏ lớn – ra khỏi Saudi Arabia. Ông đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích luật lệ của Saudi trong việc đối xử không công bằng và cách ly cộng đồng người Shi’ite thiểu số tại nơi đây. Theo thống kê của trang CIA World, lượng người Shi’ite sống quanh khu vực tỉnh Miền Đông của Saudi Arabia chiếm đến 10-15% dân số nước này. Năm 2012, Nimr al-Nimr bị bắt, 1 năm sau khi các cuộc nổi dậy càn quét Trung Đông, và bị kết án tử hình năm 2014. 

Trong khi phần lớn người Sunni tại Saudi Arabia không còn phải chịu đựng thực trạng bất ổn từ năm 2011, thì những người Shi’ite đã nhiều lần đứng lên biểu tình và gây ra các cuộc xung đột với lực lượng an ninh sau khi tố chính quyền Saudi phân biệt đối xử với cộng đồng Shi’ite. Theo Ibrahim Fraihat – nghiên cứu viên cấp cao về chính sách ngoại giao tại trung tâm Doha Brookings cho biết việc hành quyết giáo sĩ Nimr al-Nimr đã “thể chế hóa” mối quan hệ vốn dĩ có phần căng thẳng giữa hai dòng người trong đất nước Saudi Arabia. Ông giải thích: “Không nhiều người ngày trước coi Nimr al-Nimr là hình ảnh đại diện cho dòng Shi’ite, nhưng kỳ lạ thay, sau vụ hành quyết, vị giáo sĩ lại trở thành một trong những biểu tượng phản ánh nỗi bất bình của cộng đồng này”. 

Nhà phân tích – giáo sư người Iran Scott Lucas đang nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại trường đại học Birmingham (Anh) nhận xét, trong bối cảnh xung đột sắc tộc leo thang tại Yemen, Syria và Iraq, việc hành quyết al-Nimr là một minh chứng cho thấy chính sách cứng rắn của Saudi Arabia đối với Iran và mối bất hòa tín ngưỡng trong nước: “Saudi Arabia thực sự cố ý đi quá giới hạn trong việc chọc tức cộng đồng người Shi’ite nói chung và kẻ thù truyền kiếp Iran nói riêng không chỉ bằng việc hành quyết giáo sĩ Nimr al-Nimr mà còn kết án ông chịu tội danh cùng với những tên khủng bố al-Qaeda”.  

Trước đó giáo sĩ Nimr al-Nimr là một trong 47 người bị xử tử vào ngày 2/1. Rất nhiều đối tượng trong số họ là người Sunni bị kết án có liên quan đến chủ nghĩa khủng bố - một cụm từ mà giới chức Saudi thường sử dụng để kết án những nhóm khủng bố thánh chiến như al-Qaeda và IS.

Hồng Hạnh (theo Bloomberg/BBC)
Nga sẵn sàng hòa giải Iran và Saudi Arabia
Nga sẵn sàng hòa giải Iran và Saudi Arabia

Moskva sẵn sàng đóng vai trò trung gian giải quyết mâu thuẫn hiện nay giữa Iran và Saudi Arabia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN