Người Iran sôi sục sau vụ Giáo sĩ al-Nimr bị hành quyết

Ngày 3/1, hàng trăm người Iran đã tiếp tục biểu tình bên ngoài trụ sở Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran nhằm phản đối việc Chính phủ Saudi Arabia xử tử giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi'ite Nimr al-Nimr.

Biểu tình bạo động tại Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran, Iran ngày 2/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Những người biểu tình hô khẩu hiệu phản đối nhà chức trách Saudi Arabia và lên án vụ xử tử. Dự kiến trong ngày 4/1, một cuộc biểu tình tương tự sẽ được tổ chức tại quảng trường Imam Hoessin, ở trung tâm thủ đô Tehran.

Trước đó ngày 3/1, biểu tình bạo lực đã nổ ra tại Iran khi người biểu tình đột nhập vào Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran và đốt phá khu vực này. Sau đó, cảnh sát Iran đã bắt giữ 40 người. Phản ứng trước vụ việc, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir bất ngờ tuyên bố vương quốc này sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran và cho biết toàn bộ nhân viên ngoại giao Iran phải rời khỏi Saudi Arabia trong vòng 48 giờ đồng hồ.

Trong khi đó, Bahrain đã lên án mạnh mẽ các vụ tấn công vào Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran, hối thúc nước này tuân thủ các biện pháp ngoại giao và kiểm soát người biểu tình. Bộ Ngoại giao Bahrain gọi vụ tấn công này là "sự vi phạm trắng trợn nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế", đồng thời hối thúc Iran bảo vệ các nhân viên và trụ sở ngoại giao, thực thi các biện pháp ngăn ngừa các đối tượng gây bạo loạn. Bộ Ngoại giao Bahrain cũng tái khẳng định ủng hộ Saudi Arabia trong việc củng cố hoà bình và ổn định ở cấp khu vực lẫn quốc tế.

Cùng ngày 3/1, tại Pakistan, hàng nghìn người Hồi giáo đã biểu tình hoà bình để phản đối vụ hành quyết giáo sĩ al-Nimr. Tại thành phố Tây Nam Quetta, 1.000 người xuống đường kêu gọi chính phủ nước này cân nhắc lại quan hệ lâu dài với Riyadh. Trong khi đó, tại thành phố miền Đông Lahore, khoảng 1.500 người biểu tình, gọi vụ xử tử giáo sĩ Nimr là hành động vi phạm nhân quyền trắng trợn, trong khi những người biểu tình tại Karachi hô khẩu hiệu phản đối Hoàng gia Saudi Arabia.

Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại một số quận của tỉnh miền Nam Sindh, nơi hàng trăm người tập trung kêu gọi Liên hợp quốc can thiệp để chấm dứt việc Saudi Arabia phân biệt đối xử với người Hồi giáo dòng Shi'ite. Tình trạng bất ổn này đã khiến kế hoạch thăm Islamabad của Ngoại trưởng Saudi Arabia al-Jubeir vào tối 3/1 phải hoãn sang ngày 7/1.


Còn tại thành phố Srinagar, thành phố chính của khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, hàng trăm người Shi'ite đã đụng độ với cảnh sát để phản đối quyết định của Saudi Arabia.

Trước tình hình này, Bộ Ngoại giao Maroc đã thể hiện sự quan ngại, đồng thời bày tỏ hy vọng Chính phủ Saudi Arabia và Iran sẽ ngăn tình trạng này lan rộng sang các quốc gia khác trong khu vực. Trong khi đó, thủ lĩnh phong trào Hezbollah tại Liban Sayyed Hassan Nasrallah phản đối việc Saudi Arabia xử tử giáo sĩ al-Nimr, đồng thời cảnh báo vụ việc có biến thành một cuộc xung đột nghiêm trọng.

TTXVN/Tin Tức
Nga sẵn sàng hòa giải Iran và Saudi Arabia
Nga sẵn sàng hòa giải Iran và Saudi Arabia

Moskva sẵn sàng đóng vai trò trung gian giải quyết mâu thuẫn hiện nay giữa Iran và Saudi Arabia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN