James Stewart, người phụ trách các vấn đề Brexit tại Công ty KPMG Anh, cho biết: "Các doanh nghiệp đang thử nghiệm các 'túi khí' chuẩn bị ứng phó với Brexit. Thời gian là một thứ xa xỉ mà chúng ta không còn nữa, vì vậy mọi người đang chuẩn bị cho các tác động có thể xảy ra ngay lập tức".
Theo ông, sau một loạt dữ liệu kinh tế tiêu cực, và sự bất trắc của Brexit kéo dài qua cả thời điểm mà hầu hết mọi người dự đoán, tinh thần của giới doanh nhân đang đi xuống.
Nếu không có thỏa thuận, hoặc không gia hạn Brexit, Vương quốc Anh sẽ rời EU mà không có giai đoạn chuyển tiếp từ 23h00 GMT ngày 29/3 tới. Kịch bản này gần như chắc chắn sẽ dẫn tới đứt quãng về thương mại và làm các thị trường tài chính hoảng sợ.
Khi nỗi lo ngày càng lớn rằng London sẽ áp dụng chính sách "bên miệng hố chiến tranh" - tức là Brexit không thỏa thuận - như Thủ tướng Theresa May cảnh báo, các doanh nghiệp và ban lãnh đạo EU đã đẩy mạnh các kế hoạch đối phó với nguy cơ này. Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo tác động của một Brexit hỗn loạn đối với nền kinh tế có thể lớn hơn tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập kỷ.
KPMG nhận định khả năng Anh rời khỏi EU với một thỏa thuận là khoảng 55%, trong khi có 30% xảy ra kịch bản Brexit không thỏa thuận, và chỉ 15% khả năng Brexit bị "đảo ngược".
Trong một diễn biến liên quan, hãng hàng không khu vực Flybmi của Anh đã thông báo ngừng hoạt động, đồng thời cho biết sự bất trắc của Brexit là một trong các nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của mình.
British Midland Regional Ltd - công ty "mẹ" của Flybmi - cho biết đã phải hủy mọi chuyến bay của Flybmi và không có khả năng mua, sắp xếp lại hay bố chí lại bất kỳ lệnh đặt vé nào của khách hàng. Trên trang web của mình, hãng khuyến cáo khách hàng không nên đến các sân bay trừ phi đã đặt các chuyến bay từ các nhà cung cấp khác, đồng thời khuyên họ đến nhận tiền hoàn vé vì hủy chuyến từ các công ty tín dụng, các trang web đặt vé hoặc các nhà cung cấp bảo hiểm du lịch.
Người phát ngôn British Midland Regional Ltd cho biết công ty đã đưa ra quyết định trên do giá nhiên liệu và chi phí môi trường tăng cao, cộng thêm sự bất trắc ngày càng nghiêm trọng của các kế hoạch Brexit.
Flybmi cho biết: "Chúng tôi rất tiếc khi đây là lựa chọn duy nhất, bởi các thách thức, đặc biệt do Brexit, là không thể vượt qua". Tuyên bố nêu rõ Flybmi không thể đảm bảo các hợp đồng bay hậu Brexit tại châu Âu và lo ngại rằng không thể tiếp tục phục vụ các điểm đến trong châu lục sau khi Anh rời EU ngày 29/3 tới.
Flybmi, có trụ sở ở vùng Đông Midlands thuộc England, với khoảng 17 đường bay tới 25 thành phố tại châu Âu, sử dụng 376 nhân công tại Anh, Đức, Thụy Điển và Bỉ, thực hiện các chuyến bay tới 25 thành phố ở châu Âu. Trong năm 2018, hãng đã chuyên chở 522.000 lượt hành khách trên 29.000 chuyến bay. Tổng đầu tư của hãng đã lên tới 40 triệu bảng Anh trong 6 năm.