Cảng Rotterdam là điểm nối chính giữa EU và Vương quốc Anh, với khối lượng hàng hóa giao thương giữa hai bên qua cảng này lên tới 54 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, các quan chức quan ngại rằng nhiều tài xế xe tải có thể chở hàng đến cảng này để xuất khẩu sang một nước ngoài EU mà không cần có văn bản hợp pháp nào nếu nước Anh “tay trắng” rời khỏi EU vào ngày 29/3. Mỗi năm có khoảng 600.000 xe tải chở hàng đến cảng Rotterdam để xuất khẩu sang Anh.
Hà Lan đã có những bước chuẩn bị để ứng phó với những ảnh hưởng của Brexit đối với nền kinh tế nước này vốn có quan hệ mật thiết với Anh. Viện chính sách giao thông Hà Lan cho biết Brexit sẽ khiến thương mại song phương giữa Hà Lan và Anh giảm từ 25-50%, tùy thuộc vào viễn cảnh hậu Brexit.
Trong một diễn biến khác, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May tối 14/2 khẳng định chính phủ sẽ tiếp tục tìm kiếm thay đổi trong nội dung thỏa thuận Brexit với EU nhằm đảm bảo Anh sẽ vẫn rời EU đúng kế hoạch vào ngày 29/3 tới. Theo người phát ngôn này, bà May tin rằng các nghị sĩ đảng Bảo thủ vẫn muốn bà tiếp tục tái đàm phán thỏa thuận Brexit nhưng đã bỏ phiếu tượng trưng chống lại chiến lược Brexit của bà tối 14/2 do lo ngại khả năng Brexit không thỏa thuận bị loại bỏ trong giai đoạn này.