Đình công tại Pháp ảnh hưởng tới hoạt động đi lại dịp Giáng sinh 

Nhiều người dân thủ đô Paris của Pháp sẽ khó có một Giáng sinh ấm cúng khi mà hệ thống giao thông công cộng bị đình trệ do làn sóng đình công phản đối kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu của chính phủ kéo dài sang ngày thứ 19 liên tiếp.

Chú thích ảnh
Người dân biểu tình phản đối kế hoạch của Chính phủ cải cách hệ thống lương hưu tại Bordeaux, Pháp, ngày 5/12/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ngày 23/12, các nhân viên lái tàu hỏa và tàu điện ngầm vẫn tiếp tục đình công tại Paris. Họ cảnh báo sẽ không dừng các hoạt động này cho đến khi chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron ngừng thực thi kế hoạch cải cách lương hưu. Tuần trước, cuộc đàm phán giữa chính phủ và đại diện các nghiệp đoàn nhằm tháo gỡ tình hình hiện nay đã thất bại. 

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho hay cuộc đối thoại giữa Chính phủ Pháp với đại diện các nghiệp đoàn và một số tổ chức liên quan dự kiến được nối lại vào ngày 7/1/2020, trong khi các cuộc đối thoại riêng rẽ giữa chính phủ với người lao động trong ngành y tế và giáo viên sẽ diễn ra vào ngày 13/1 tới. 

Trong bối cảnh giao thông công cộng không thuận lợi những ngày gần Giáng sinh, Công ty Đường sắt quốc gia Pháp - SNCF- đã thông báo sẽ dừng toàn bộ các chuyến tàu hỏa giữa Paris và ngoại ô vào tối 23/12, và chỉ nối lại một số chuyến vào sáng 24/12 và các chuyến còn lại vào ngày 26/12. Cuối tuần trước, do ảnh hưởng của làn sóng đình công, SNCF đã buộc phải dừng 50% chuyến tàu tốc độ cao, hơn 30% dịch vụ tàu hỏa ở khu vực ngoại ô cùng 25% các chuyến tàu nội đô và 20% các tuyến tàu nối Paris với các vùng lân cận. Điều này đã ảnh hưởng tới hoạt động đi lại của hàng nghìn người dân thủ đô Paris khi họ phải tìm phương tiện khác thay thế. 

Nước Pháp đang không chỉ đối mặt với làn sóng đình công của người lao động trong ngành vận tải, mà còn đối phó với các cuộc đình công của nhân viên ngành năng lượng. Cùng ngày, công nhân thuộc Tổng Liên đoàn lao động Pháp (CGT) đã nhất trí đình công và dừng hoạt động sản xuất tại nhà máy lọc dầu Grandpuits thuộc tập đoàn Total. Đây là cơ sở  lọc dầu chủ chốt, cung cấp dầu và xăng cho hệ thống giao thông tại Paris và các vùng phụ cận. Theo Total, cơ sở Grandpuits đã duy trì sản xuất ở mức tối thiểu.

Trước đó, các cuộc đình công cũng nổ ra tại nhà mày lọc dầu CIM ở miền Bắc nước Pháp,  song hoạt động tại đây vẫn được duy trì ở mức thấp. Nhà máy CIM có công suất xử lý 40% dầu thô nhập khẩu vào nước này, cung cấp nhiên liệu cho các sân bay. Làn sóng đình công còn lan sang tổ hợp hóa dầu LyondellBasell ở miền Nam nước Pháp và nhà máy lọc dầu Lavera của tập đoàn  PetroIneos.

Mặc dù các cuộc biểu tình ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp nhiên liệu, song tổ chức vận động hành lang ngành dầu mỏ UFIP cho biết chỉ 2% trong số 11.000 trạm xăng dầu tại Pháp tạm dừng hoạt động do thiếu nguồn cung.

Thanh Hương (TTXVN)
Cảnh sát Pháp bắn đạn hơi cay để khống chế người biểu tình bạo lực
Cảnh sát Pháp bắn đạn hơi cay để khống chế người biểu tình bạo lực

Ngày 17/12 (theo giờ Pháp), lực lượng cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để khống chế đám đông biểu tình bạo lực tại thủ đô Paris nhằm phản đối các chính sách cải cách lương hưu của chính phủ nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN