Theo kênh truyền hình NTV, cảnh sát đã bắt giữ 7 người, trong đó có 4 phi công, để thấm vấn do nghi dính líu tới việc giúp ông Ghosn di chuyển qua lại giữa các máy bay tư nhân tại sân bay ở Istanbul ngày 30/12/2019 vừa qua. Vụ bắt giữ nằm trong khuôn khổ cuộc điều tra do Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng.
Cùng ngày 2/1, Thứ trưởng Kinh tế Pháp Agnes Pannier-Runacher cho biết nước này "sẽ không dẫn độ" ông Ghosn nếu ông đến Pháp.
Trả lời kênh tin tức BFM của Pháp, bà Pannier-Runacher nêu rõ nếu ông Ghosn đến Pháp, nhà chức trách nước này sẽ không dẫn độ ông vì "Pháp không bao giờ dẫn độ công dân của mình". Tuy nhiên, Chính phủ Pháp cho rằng ông Ghosn "lẽ ra không nên trốn tránh hệ thống tư pháp của Nhật Bản".
Bà Pannier-Runacher cho biết thêm nếu ông Ghosn đến Pháp và Nhật Bản sau đó yêu cầu Paris dẫn độ ông, Chính phủ Pháp sẽ áp dụng những nguyên tắc đối với ông Ghosn tương tự như những người bình thường.
Ông Ghosn mang ba quốc tịch Brazil, Pháp và Liban và cũng là cựu lãnh đạo hãng chế tạo ô tô Renault (Pháp). Nhà chức trách Pháp cũng đang tiến hành điều tra ông Ghosn, song chưa đưa ra cáo buộc chính thức với tội danh nào tại nước này.
Cựu Chủ tịch Nissan Ghosn bị bắt giữ hồi tháng 11/2018 với các cáo buộc gian lận tài chính. Ông được tại ngoại sau khi nộp tiền bảo lãnh. Dự kiến, tòa án Tokyo bắt đầu xét xử ông này vào tháng 4/2020.
Ngoài tội danh không kê khai khoản thù lao hàng triệu USD, ông cũng bị cáo buộc lạm dụng tín nhiệm sử dụng tiền của hãng Nissan phục vụ lợi ích cá nhân. Ông Ghosn đã phủ nhận tất cả các tội danh.