Các cơ quan an ninh Anh tin rằng, số điệp viên Nga đang hoạt động ở Anh ngày nay nhiều ngang với con số điệp viên Liên xô tại Anh thời Chiến tranh Lạnh.
Trước khi đến Mỹ, cựu điệp viên Nga Anna Chapman đã kết hôn với một người Anh và sống 4 năm tại xứ sở sương mù. Ảnh Internet. |
Một nguồn tin cấp cao cho tờ Daily Telegraph biết, có tới một nửa nhân viên tòa đại sứ Nga tại Luân Đôn có thể dính tới các hoạt động thu thập thông tin tình báo, và ở bất cứ thời điểm nào hiện nay cũng có khoảng 40 điệp viên người Nga được cho là đang hoạt động tại xứ sở sương mù.
Một số trong đó tham gia các hoạt động gián điệp truyền thống, trong khi số khác theo dõi các đầu sỏ chính trị ở Luân Đôn hoặc hoạt động tình báo công nghiệp nhằm phục vụ lợi ích thương mại của các công ty Nga.
Cũng theo nguồn tin trên, có những lo ngại rằng Nga sẽ tăng cường hoạt động tình báo trong vài tháng tới khi các lực lượng an ninh Anh dồn sức cho Thế vận hội Mùa hè và lễ kỷ niệm Kim cương của Nữ hoàng Elizabeth II (60 năm trị vì).
Một chuyên gia cảnh báo, mối quan hệ thân thiết giữa Anh với Mỹ là một trong những sức hút lớn lớn với hoạt động tình báo của Nga, vốn coi Anh như là “sân sau” của tình báo Mỹ.
Mối quan hệ Nga – Anh cũng đã trở nên căng thẳng trong những năm gần đây, đặc biệt là sau vụ ám sát cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko tại Luân Đôn năm 2006 và những khó khăn trong việc Anh đòi Nga cho dẫn độ nghi phạm chính Andrei Lugovoi.
Cùng năm, Anh cũng bị cáo buộc đặt một tảng đá giả, chứa máy phát tín hiệu trên một con phố ở Nga để hỗ trợ ăn cắp dữ liệu mật. Luân Đôn ban đầu cho rằng họ không hay biết gì về vụ “đá do thám” này, nhưng đầu năm nay, Jonathan Powell, cựu chánh văn phòng của Thủ tướng Tony Blair, đã thừa nhận vụ việc.
Năm 2011, cơ quan tình báo Anh MI5 cũng cáo buộc Katia Zatuliveter, người gốc Nga, có quan hệ tình ái với một nghị sĩ trong ủy ban quốc phòng Anh, là điệp viên.
T.H