Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay, diện tích rừng Amazon, rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, bị phá đã lên tới 3.750 km2, cao nhất kể từ khi các dữ liệu trong cùng giai đoạn bắt đầu được ghi nhận vào năm 2016. Kỷ lục gần nhất được ghi nhận vào năm 2021, khi diện tích rừng Amazon bị phá trong 6 tháng đầu năm là 3.605 km2.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, hơn 7.500 vụ cháy rừng đã được ghi nhận tại Amazon, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021 và là các dữ liệu tồi tệ nhất được ghi nhận từ năm 2010. Ngoài ra, tháng 6 năm nay là tháng ghi nhận tình trạng cháy rừng tại Amazon xảy ra nghiêm trọng nhất trong 15 năm qua.
Các dữ liệu ghi nhận vào tháng 1, tháng 2 và tháng 4 năm nay cũng cao hơn so với các dữ liệu tương ứng ghi nhận các năm trước. Các vệ tinh của INPE xác định hơn 2.500 vụ cháy rừng xảy ra tại Amazon trong tháng 6, cao nhất kể từ tháng 6/2007 khi có tới 3.500 vụ cháy rừng xảy ra, và cao hơn 11% so với tháng 6/2021.
Cristiane Mazzetti, từ tổ chức Greenpeace Brazil, cảnh báo dù mùa khô mới chỉ vừa bắt đầu tại Amazon nhưng đã kịp gây ra những hậu quả tàn phá môi trường tồi tệ chưa từng thấy. Các chuyên gia môi trường cho rằng Chính phủ Brazil cần hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ rừng Amazon, thông qua việc hạn chế các chính sách khuyến khích khai mỏ và chăn nuôi tại các khu vực được bảo vệ, đẩy mạnh ngăn chặn các hành động khai thác vàng trái phép và buôn lậu gỗ.