Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, đây là số liệu do Dự án theo dõi nạn phá rừng Amazon bằng vệ tinh (Prodes), thuộc Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (Inde), thu thập và được coi là thống kê thường niên chính xác nhất về tình trạng phá rừng tại “lá phổi của hành tinh”.
Diện tích rừng bị phá trong khoảng thời gian 12 tháng vừa nêu tương đương mức tăng 22% so với diện tích 10.851 km2 bị phá trong kỳ 12 tháng trước đó, từ tháng 8/2019 tới tháng 7/2020.
Đây là con số cao nhất ghi nhận được kể từ mức 14.286 km2 năm 2006, trong khi mức kỷ lục mà Prodes ghi nhận được là vào năm 2004, với hơn 27.000 km2 rừng Amazon tại Brazil bị phá. Trong giai đoạn 2007-2016, Brazil đã cải thiện được công tác phòng chống phá rừng Amazon, với mức thấp kỷ lục ghi nhận được là 4.848 km2 vào năm 2014.
Nhiều tổ chức và hội nhóm hoạt động môi trường đã lên tiếng chỉ trích chính sách buông lỏng công tác kiểm soát phá rừng để thúc đẩy chăn nuôi của chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro, cũng như việc Chính phủ Brazil không công bố các số liệu tiêu cực này trước hoặc trong thời gian diễn ra Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26), vừa kết thúc tại Glassgow.
Được mệnh danh là “lá phổi của hành tinh” khi hấp thụ tới 1/4 lượng khí CO2 mà cây xanh trên toàn cầu “xử lý”, Amazon có tổng diện tích khoảng 6,1 triệu km2, trong đó khoảng 60% nằm trên lãnh thổ Brazil, và có thảm thực vật đa dạng nhất thế giới với khoảng 15.000 loài. Bên cạnh nạn chặt phá cây lấy gỗ, khu rừng nhiệt đới này còn bị đe dọa bởi nạn khai mỏ bất hợp pháp, việc chăn nuôi gia súc thả rong, bị diện tích trồng đậu tương xâm lấn, khô hạn và cháy rừng.