Dữ liệu sơ bộ từ cơ quan nghiên cứu vũ trụ quốc gia INPE cho thấy khoảng 877 km2 diện tích rừng đã bị chặt phá trong tháng vừa qua, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng 10 có diện tích rừng bị phá lớn nhất kể từ khi hệ thống giám sát hiện nay bắt đầu đi hoạt động vào năm 2015.
Theo giới chuyên gia, thực trạng hiện nay của rừng Amazon cho thấy tầm quan trọng của việc đạt được một thỏa thuận hiệu quả về các thị trường carbon tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), dự kiến bế mạc trong ngày 12/11 tại Glasgow (Vương quốc Anh) nhằm hỗ trợ việc bảo tồn rừng ở Brazil.
Rừng rậm nhiệt đới Amazon thuộc lưu vực sông Amazon ở Nam Mỹ. Với diện tích gần 7 triệu km2, rừng Amazon trải dài trên lãnh thổ của 8 nước gồm Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana và Surinam; trong đó 60% diện tích rừng nằm trên lãnh thổ của Brazil.
Dù được ví là "lá phổi xanh" của Trái Đất và đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, nhưng trong những năm gần đây, rừng Amazon đang bị tàn phá ngày càng nghiêm trọng.
Tháng 10 vừa qua, Tổ chức Giám sát khí hậu cho biết trái ngược với lượng khí thải carbon dioxide (CO2) giảm mạnh trên phạm vi toàn cầu trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, lượng khí thải CO2 của Brazil trong năm 2020 vẫn lên mức kỷ lục kể từ năm 2006, nguyên nhân chủ yếu do tình trạng tàn phá rừng Amazon.
Theo báo cáo, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Brazil trong năm ngoái đã tăng lên mức 2,16 tỷ tấn, cao hơn 9,5% so với năm 2019. Điều này trái ngược so với mức giảm lượng khí thải 7% ghi nhận trên toàn thế giới trong năm 2020.