Diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày 13/2

Tân Hoa Xã chiều 13/2 dẫn lời người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết số ca nhiễm mới trong ngày 12/2 tại 31 tỉnh, thành là 15.152 ca, trong đó 254 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế hỗ trợ bệnh nhân nhiễm COVID-19 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (thứ 2, trái) tới bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 26/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Như vậy, tổng số ca nhiễm theo cách tính mới (gộp cả số người mới được chẩn đoán lâm sàng vào số người nhiễm mới) tại Trung Quốc Đại lục tính đến hết ngày 12/2 là 52.526 ca, trong đó 1.367 ca tử vong. Khu hành chính đặc biệt Hong Kong ghi nhận 50 ca nhiễm và khu hành chính đặc biệt Macau có 10 ca trong khi đảo Đài Loan có 18 ca nhiễm.

Cũng theo NHC, trong ngày 13/2, số ca bệnh nặng đã giảm 174 ca, trong khi 1.171 người đã hoàn toàn khỏi bệnh và được ra viện, nâng tổng số ca khỏi bệnh tại Trung Quốc Đại lục từ khi bùng phát dịch đến nay lên 5.911 người. Ngoài ra, 8.030 ca vẫn trong tình trạng nguy kịch và 13.435 ca nghi nhiễm đã được xác định nhiễm virus.

NHC cho biết 471.531 người có tiếp xúc gần đã được xác định, trong đó 29.429 người đã kết thúc thời gian giám sát y tế, trong khi 181.386 người vẫn đang trong diện giám sát y tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho phép bổ sung 2.600 y, bác sĩ quân y chi viện cho tâm dịch Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc nhằm đối phó với dịch bệnh. Lực lượng này sẽ bổ sung cho Bệnh viện Đồng Tế Thái Khang tại Vũ Hán và Viện chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại Hồ Bắc. 

Các y, bác sĩ tăng cường trên sẽ được rút từ các đơn vị lục quân, hải quân, không quân, tên lửa, lực lượng chi viện chiến lược, lực lượng hỗ trợ hậu cần chung và cảnh sát vũ trang. Căn cứ theo tiến độ triển khai của các bệnh viện, lực lượng quân y sẽ được chi viện theo từng đợt. Đợt một (ngày 13/2) sẽ có 1.400 y, bác sĩ đến Vũ Hán.

Tính đến nay, quân đội Trung Quốc đã điều động 3 đợt với hơn 4.000 y bác sĩ chi viện cho Vũ Hán để đối phó với dịch bệnh COVID-19 (nCoV).

Nhằm giải quyết các vấn đề trong công tác ngăn ngừa và kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV), một số tỉnh và thành phố của Trung Quốc đã thông báo lập danh sách đen các cá nhân thiếu trung thực do che giấu triệu chứng bệnh và vi phạm quy định cách ly.

Các tỉnh An Huy, Giang Tô, Cát Lâm cũng như thành phố Thượng Hải, Trùng Khánh và Hàng Châu  đã phê duyệt văn bản hướng dẫn lập danh sách đen các cá nhân vi phạm quy định cách ly, che giấu triệu chứng bệnh cũng như bưng bít thông tin về việc trước đó có đến những khu vực có virus nCoV hoặc từng tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm nCoV. Theo đó, các cá nhân vi phạm không chỉ phải nộp phạt tiền theo quy định luật pháp hiện hành mà còn bị giảm điểm đánh giá xếp hạng uy tín và công khai danh tính tại địa phương.

Chính quyền tỉnh Hồ Bắc ngày 13/2 quyết định tiếp tục cho học sinh nghỉ học và lùi thời gian trở lại làm việc của cán bộ, công nhân viên nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Theo quyết định trên, tất cả các doanh nghiệp địa phương, trừ trong lĩnh vực như vận tải, y dược, siêu thị và thực phẩm, chưa được hoạt động trở lại trước khi hết ngày 20/2 tới. Trong khi đó, thời điểm bắt đầu học kỳ hai của học sinh vẫn được lùi cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Thành phố Hoàng Cương, thuộc tỉnh Hồ Bắc cũng thông báo kể từ ngày 14/2, địa phương này sẽ siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV), trong đó có việc phong tỏa những khu dân cư và chỉ cho phép các phương tiện xe cộ cần thiết hoạt động.

Tuyên bố ngày 13/2 của chính quyền thành phố Hoàng Cương - địa phương sát tâm dịch Vũ Hán - cho biết, thực phẩm và hoạt động phân phối các mặt hàng thiết yếu khác sẽ do đội ngũ nhân viên đặc biệt thực hiện.

Tối 13/2, Bộ Y tế Nhật Bản xác nhận ca tử vong đầu tiên nhiễm nCoV tại nước này. Nạn nhân là một cụ bà ở độ tuổi 80. Người này có triệu chứng mệt mỏi từ ngày 22/1, sau đó đã nhập viện vào ngày 1/2 nhưng đến ngày 12/2 thì khó thở nghiêm trọng và đến ngày 13/2 đã tử vong. Qua xét nghiệm, người này được xác nhận đã nhiễm nCoV. Cụ bà này không hề đi du lịch nước ngoài trong thời gian vừa qua. Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm nCoV tử vong tại Nhật Bản và là trường hợp tử vong thứ 3 trên thế giới ngoài Trung Quốc Đại lục, sau một trường hợp người Trung Quốc ở Phillipines và một người ở Hong Kong (Trung Quốc).

Tính đến ngày 13/2, Nhật Bản đã phát hiện 248 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó có 218 hành khách và thủy thủ đoàn trên du thuyền Diamond Princess đang neo đậu ngoài khơi thành phố Yokohama và 12 công dân Nhật Bản trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc. Trước đó vào chiều cùng ngày, một bác sĩ 50 tuổi tại tỉnh Wakayama và một tài xế taxi khoảng 70 tuổi ở Tokyo là hai người mới nhất được xác nhận đã nhiễm nCoV.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết nước này sẽ đưa ra các biện pháp khẩn cấp trị giá 15,4 tỷ yen (tương đương 140 triệu USD) để chống lại sự lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong một diễn biến khác, Trưởng Ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo Yoshiro Mori đã tái khẳng định rằng hai sự kiện thể thao mùa Hè này sẽ không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Phát biểu mở màn phiên họp kéo dài 2 ngày với Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) nhằm thảo luận về công tác chuẩn bị, ông Mori nêu rõ việc hủy hay hoãn Olympic và Paralympic Tokyo đều không được cân nhắc. Ông cho biết Ban tổ chức sẽ phối hợp với chính phủ và ứng phó một cách bình tĩnh bất kỳ vấn đề nào có thể phát sinh liên quan đến dịch bệnh.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban điều phối IOC John Coates khẳng định dịch bệnh COVID-19 là một vấn đề bất ngờ và Ban tổ chức sẽ có biện pháp phòng ngừa cho các vận động viên và những người khác đến Nhật Bản.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Resona, nếu COVID-19 tiếp tục lây lan đến khoảng tháng 4/2020, thiệt hại đối với nền kinh tế Nhật Bản sẽ tương đương mức thiệt hại do dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) gây ra trong giai đoạn 2002-2003. Trước đó, Viện Nghiên cứu Daiwa dự báo trong kịch bản lạc quan nhất là chặn đứng được COVID-19 trong vòng 3 tháng tới, dịch bệnh này sẽ “thổi bay” 1.000 tỷ yen GDP của Nhật Bản trong năm 2020. Trong trường hợp dịch bệnh này kéo dài 1 năm, COVID-19 sẽ khiến GDP của Nhật Bản giảm gần 1%.

Cũng liên quan tới dịch bệnh COVID-19, Singapore cùng ngày thông báo số ca hàng ngày nhiễm chủng virus chết người này đã tăng cao nhất, với 8 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đảo quốc này lên 58 ca. Tất cả bệnh nhân mới đều liên quan tới các ca nhiễm cũ. Trong 58 ca được xác nhận nhiễm COVID-19, 15 ca đã hồi phục và được xuất viện trong khi có 7 ca đang trong tình trạng nguy kịch và được điều trị đặc biệt.

Trong khi đó, tại Campuchia, người phát ngôn của Bộ Y tế nước này ngày 13/2 cho biết không có trường hợp nào trong số 20 hành khách trên du thuyền MS Westerdam cho kết quả dương tính với virus Corona chủng mới, sau khi những người này có vấn đề về sức khỏe và được lấy mẫu xét nghiệm gửi đến Viện Pasteur.

Chính phủ Campuchia đã cho phép du thuyền MS Westerdam chở 1.455 hành khách và 802 thủy thủ đoàn cập cảng Sihanoukville ở miền Nam nước này, sau khi du thuyền trên bị nhiều nước từ chối do lo ngại nguy cơ lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gửi thư cảm ơn Chính phủ Campuchia nghĩa cử này, coi đây là một hình mẫu của sự hợp tác quốc tế.

 

Minh Châu (TTXVN)
Thành phố Hoàng Cương (Trung Quốc) siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh
Thành phố Hoàng Cương (Trung Quốc) siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh

Trong thông báo ngày 13/2, chính quyền thành phố Hoàng Cương thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc cho biết kể từ ngày 14/2, địa phương này sẽ siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV), trong đó có việc phong tỏa những khu dân cư và chỉ cho phép các phương tiện xe cộ cần thiết hoạt động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN