Chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan là quyết định chính sách đối ngoại quan trọng nhất của Tổng thống Joe Biden, đánh dấu bước dịch chuyển lớn trong thế bố trí quân sự của Mỹ cũng như những ưu tiên của Lầu Năm Góc trong những năm tới đây.
Việc xoay trục từ “những cuộc chiến bất tận” ở Trung Đông và Afghanistan sang ứng phó với nguy cơ xung đột trước các đối thủ “đồng hạng” là sự thay đổi lớn trong học thuyết chiến tranh của Mỹ, đặt ra yêu cầu cao hơn về hiện đại hóa các hệ thống vũ khí lớn, làm chủ các công nghệ đang nổi như vũ khí tự động trên nền tảng trí tuệ nhân tạo.
Ba tháng sau sự kiện rút quân đầy hỗn loạn khỏi Kabul, Lầu Năm góc công bố bản chiến lược Rà soát bố trí quân sự toàn cầu (RPR), định rõ mục tiêu, cách thức triển khai lực lượng toàn cầu và điều chỉnh quân số. Toàn bộ tài liệu này được đóng dấu mật, nhưng bản mô phỏng công khai khái quát cho thấy Lầu Năm góc coi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên, đồng thời kêu gọi thay đổi hạ tầng quân sự của Mỹ đóng tại Australia và các đảo quốc Thái Bình Dương.
“Về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, RPR hướng đến tăng cường hợp tác với đồng minh và đối tác nhằm thúc đẩy các sáng kiến giúp tăng cường ổn định khu vực và răn đe xâm lăng quân sự tiềm tàng của Trung Quốc cũng như những mối đe dọa đến từ Triều Tiên”, Lầu Năm góc nhận định. Tài liệu cũng đề cập đến một loạt những bước triển khai lực lượng, trong đó có điều động một phi đội trực thăng tấn công và một sư đoàn pháo binh ở Hàn Quốc.
Cũng chỉ hai tuần sau khi rút quân khỏi Afghanistan, ông Biden công bố thành lập sáng kiến an niinh ba bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS), nhằm thúc đẩy hiện diện và điều phối quân sự của ba nước tại khu vực.
“Đó là một bước dịch chuyển từ chống bạo loạn, chống khủng bố tại Trung Đông sang cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, tiến sĩ Margarita Konaev, chuyên gia phân tích cao cấp tại Trung tâm an ninh an ninh và các công nghệ mới nổi thuộc Đại học Georgetown, nhận định.
Theo Konaev, trước các đối thủ mới có trình độ công nghệ hiện đại như Trung Quốc, Mỹ sẽ dồn ưu tiên nhiều hơn cho việc hiện đại hóa các hệ thống vũ khí lớn, kết hợp với xây dựng tiềm lực trí tuệ nhân tạo (AI). Cách thức quân đội Mỹ tổ chức lực lượng, huấn luyện, trang bị và chuẩn bị cho các loại hình sứ mệnh mà Mỹ theo đuổi trong suốt 20 năm qua sẽ khác biệt rất lớn với việc chuẩn bị cho viễn cảnh cạnh tranh, xung đột với các đối thủ ngang hàng như Trung Quốc.
Tuy nhiên, Jason Campbell, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm RAND (Mỹ) cho rằng việc xoay trục khỏi sứ mệnh chống khủng bố không nên làm tổn hại đến nỗ lực chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực. “Xét về lý thuyết, thách thức lớn nhất đối với quân đội Mỹ ở Afghanistan và rộng hơn là tại khu vực chính là việc kiểm soát môi trường gắn với mối đe dọa cực đoan đang tiến hóa nhanh mà không duy trì lực lượng trên thực địa, có ít sự lựa chọn về duy trì tiếp cận với khu vực”, chuyên gia này bình luận.
Theo Jason Campbell, Lầu Năm Góc đang dịch chuyển từ mô hình các đơn vị nhỏ hơn gắn với chiến tranh chống nổi dậy sang sẵn sàng cho một cuộc xung đột ở hình thái đối đầu quy ước trước các đối thủ như Trung Quốc hay Nga. Để dập tắt phong trào nổi dậy, quân đội Mỹ sẽ phải điều chỉnh tác chiến tại những khu vực mà khả năng tiếp cận bị hạn chế, bị yếu tố địa hình chi phối.
Một biện pháp để hoàn tất mục tiêu này chính là lôi kéo sự tham gia của các đối tác. Mỹ đang thảo luận với Pakistan và các nước láng giềng về quyền sử sụng không phận để thực hiện các đợt không kích nhằm vào các nhóm cực đoan ở Afghanistan.