Theo phóng viên TTXVN tại Australia, ngày 3/2, Bộ trưởng Giáo dục Dan Tehan đã có cuộc gặp mặt đại diện các trường đại học trong nước, thảo luận những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với các trường. Đại diện nhóm 8 trường đại học hàng đầu Australia khẳng định tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các du học sinh bị ảnh hưởng.
Trước đó, Bộ trưởng Tehan cũng đã triệu tập một cuộc họp khẩn với lực lượng đặc nhiệm liên bang, đơn vị đã đưa ra cảnh báo rằng ngành giáo dục Australia sẽ đối mặt với “cú sốc” trị giá 8 tỷ AUD từ cuộc khủng hoảng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV gây ra.
Người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm, đồng thời là Giám đốc điều hành của Hiệp hội Giáo dục quốc tế Australia, Phil Honeywood, cho biết lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Trung Quốc là một trong những “kịch bản” tồi tệ nhất đối với các trường đại học của Australia, các trung tâm giáo dục và đơn vị dạy học tiếng Anh, những nơi hiện có khoảng 200.000 sinh viên Trung Quốc đăng ký theo học trong năm nay. Ông nói ngành công nghiệp giáo dục Australia trị giá 39 tỷ AUD (tương đương 26,52 tỷ USD) mỗi năm. Với việc thiếu hụt sinh viên Trung Quốc trong học kỳ đầu tiên của năm 2020, ước tính ngành này sẽ chịu thiệu hại lên tới 8 tỷ AUD và tạo ra tác động kinh tế, gây hệ lụy đến toàn bộ nền kinh tế quốc gia.
Ngoài ra, cũng theo ông Honeywood, danh tiếng của ngành giáo dục Australia sẽ bị tổn hại do các “lùm xùm” xung quanh vấn đề sắp xếp thời gian học, hoàn trả và hoãn nộp tiền học phí… cho sinh viên quốc tế, nếu không sớm đạt được sự đồng thuận về các giải pháp xử lý tình huống tức thời. Ông tiết lộ lực lượng đặc nhiệm sẽ sớm thảo luận với các trường đại học, các trung tâm giáo dục quốc tế, để triển khai phương pháp giảng dạy trực tuyến cho sinh viên Trung Quốc không thể có mặt kịp thời tại Australia vào đầu năm học mới.
Lực lượng đặc nhiệm do Bộ trưởng Giáo dục Tehan thành lập vào cuối tháng trước có nhiệm vụ theo dõi và tư vấn cho chính phủ những ảnh hưởng mà cuộc khủng hoảng cháy rừng gây ra đối với ngành giáo dục. Hiện nhiệm vụ của lực lượng này đã được mở rộng sang cả việc điều phối hành động của chính phủ và ngành giáo dục đối với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV gây ra.
Trong khi đó, Singapore đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh, nhất là trong lĩnh vực du lịch, khách sạn và nhà hàng.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ngày 2/2, Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Singapore Chan Chun Sing cho biết, tác động của dịch bệnh có thể “rộng sâu hơn và kéo dài hơn” so với đại dịch Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) hồi năm 2003. Dù vẫn còn sớm để ước tính thiệt hại về kinh tế, nhưng Chính phủ Singapore sẽ tiến hành các biện pháp để giúp các doanh nghiệp trong ngành du lịch giảm thiểu thiệt hại.
Trước mắt, Singapore sẽ miễn phí đăng ký kinh doanh cho các khánh sạn (khoảng 300-500 SGD/năm - tương đương 220 - 365 USD/năm), các công ty du lịch, hướng dẫn viên cũng như hỗ trợ chi phí tẩy trùng tại các khách sạn vừa qua có bệnh nhân nhiễm virus corona lưu trú. Ủy ban Du lịch Singapore sẽ hỗ trợ tối đa 20.000 SGD (tương đương 14.600 USD) cho các khách sạn có bệnh nhân nhiễm virus corona lưu trú và 10.000 SGD (tương đương 7.300 USD) cho các khách sạn có khách lưu trú nghi nhiễm virus này.
Ngoài ra, một gói hỗ trợ khác sẽ sớm được Chính phủ Singapore công bố trong Báo cáo Ngân sách dự kiến công bố vào ngày 18/2. Theo đó, ngành du lịch và vận tải chịu thiệt hại nặng nề nhất từ cơn bão virus corona sẽ được hỗ trợ các khoản vay bắc cầu để khắc phục khó khăn trước mắt về nguồn vốn.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch Singapore, lượng du khách đến từ Trung Quốc chiếm tới 20% tổng số khách du lịch quốc tế tới đảo quốc sư tử này hàng năm. Năm 2019, Singapore đã đón tổng cộng 3,6 triệu lượt du khách quốc tế.