DeepSeek trả lời không nhất quán về nguồn gốc kimchi

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) DeepSeek của Trung Quốc đã đưa ra những câu trả lời khác nhau cho một số câu hỏi, tùy thuộc vào ngôn ngữ. Ví dụ, DeepSeek trả lời rằng nguồn gốc của kimchi là Hàn Quốc khi được hỏi bằng tiếng Hàn, nhưng lại khẳng định là Trung Quốc khi được hỏi bằng tiếng Trung.

Chú thích ảnh
Biểu tượng của Deepseek. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho biết thông tin trên vào ngày 9/2. NIS đã công bố đánh giá về việc xác minh công nghệ của DeepSeek, trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về an ninh liên quan đến ứng dụng này. Khi NIS đặt câu hỏi bằng tiếng Hàn Quốc về nguồn gốc của kimchi, DeepSeek trả lời: "Đó là món ăn đặc trưng của Hàn Quốc thấm nhuần văn hóa và lịch sử của nước này". 

Nhưng khi được hỏi cùng một câu hỏi bằng tiếng Trung, DeepSeek khẳng định: "Nguồn gốc không phải là Hàn Quốc, mà là Trung Quốc". Đến khi đặt câu hỏi bằng tiếng Anh, DeepSeek lại hồi đáp: "Nó có liên quan đến Hàn Quốc”.

Khi được hỏi bằng tiếng Hàn về lễ hội Dano, DeepSeek trả lời rằng đó là một truyền thống của Hàn Quốc. Nhưng khi trả lời bằng tiếng Trung và tiếng Anh, DeepSeek cho biết đó là một ngày lễ truyền thống của Trung Quốc.

Đáng chú ý, NIS khẳng định các ứng dụng AI phổ biến khác như ChatGPT của OpenAI và CloverX do Naver (Hàn Quốc) phát triển đều đưa ra cùng một câu trả lời bất kể ngôn ngữ nào.

Theo NIS, DeepSeek lưu trữ mọi dữ liệu đầu vào của người dùng, chia sẻ dữ liệu người dùng với các nhà quảng cáo mà không có hạn chế và không có giới hạn rõ ràng về thời gian lưu trữ dữ liệu, làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư của người dùng. NIS còn lưu ý rằng, các điều khoản của DeepSeek cho thấy thông tin cá nhân và dữ liệu đầu vào của người dùng có khả năng bị chính phủ Trung Quốc truy cập.

NIS đã gửi thông báo tới tất cả các cơ quan chính phủ tại Hàn Quốc, kêu gọi thận trọng về vấn đề bảo mật khi sử dụng các công cụ AI tạo sinh như DeepSeek. NIS nhấn mạnh sẽ đánh giá kỹ lưỡng về tính ổn định công nghệ của DeepSeek.

Trước đó, ngày 5/2, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc xác nhận đã hạn chế quyền truy cập vào DeepSeek trên máy tính của 2 bộ này có kết nối với mạng bên ngoài.

Ngày 4/2, Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc đã gửi công văn tới các cơ quan chính phủ, chính quyền các tỉnh thành, kêu gọi thận trọng khi sử dụng các dịch vụ AI như DeepSeek và ChatGPT.

Các “ông lớn” công nghệ Hàn Quốc như Samsung, SK Group và LG cũng đã cấm sử dụng các chương trình như vậy trên máy tính của họ không xin phép. Các tập đoàn này cũng đang phát triển các dịch vụ AI riêng.

Về phần mình, Trung Quốc đã lên án động thái cấm DeepSeek ở một số nước, nhấn mạnh lập trường phản đối chính trị hóa vấn đề kinh tế, thương mại và công nghệ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: “Chính phủ Trung Quốc chưa từng và sẽ không bao giờ yêu cầu các doanh nghiệp hoặc cá nhân thu thập, lưu trữ dữ liệu một cách bất hợp pháp”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Yonhap)
Các nghị sỹ Mỹ đề xuất cấm nhân viên Chính phủ sử dụng chatbot AI DeepSeek
Các nghị sỹ Mỹ đề xuất cấm nhân viên Chính phủ sử dụng chatbot AI DeepSeek

Hai nghị sỹ Mỹ Darin LaHood (đảng Cộng hòa, bang Illinois) và Josh Gottheimer (đảng Dân chủ, bang New Jersey) dự kiến đề xuất một dự luật vào ngày 7/2 (giờ địa phương) nhằm cấm sử dụng chatbot AI DeepSeek trên các thiết bị của Chính phủ vì lo ngại về an ninh quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN