Dầu thô của Nga tiếp tục chảy sang Trung Quốc và Ấn Độ

Sáu tuần sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, năng lượng – ngành kinh tế then chốt của Nga, vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Chú thích ảnh
Trung Quốc là khách hàng nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Nga. Ảnh: Tân Hoa xã

Ngoại trừ Litva và Ba Lan tuyên bố từ bỏ khí đốt Nga, một số các nhà máy lọc dầu, ngân hàng “tự cấm vận” dầu thô Nga vì sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng, gần như chưa có nước nào thông báo lệnh cấm nhằm vào sản phẩm năng lượng của Nga. Xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt của Nga sang châu Âu gần như không có biến động nhiều về lượng và giá trị, ngoại trừ việc ba nước vùng Baltic lên tiếng cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga trong năm nay.

Nga hiện cung ứng 40% khí đốt nhập khẩu cho Liên minh châu Âu – nguồn năng lượng thiết yếu cho sưởi ẩm hộ gia đình cũng như sản xuất tại các nhà máy. Lượng khí này tương đương với 25% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả khối. Nhưng có thể mọi chuyện sẽ thay đổi theo chiều hướng khác.

Nút thắt trong quan hệ Nga-châu Âu hiện nay là những cáo buộc của Kiev và EU, cho rằng binh sĩ Nga đã “phạm tội ác chiến tranh” trong sự kiện ở Bucha ở Ukraine, điều mà Moskva luôn lên tiếng bác bỏ. Giới chuyên gia nhận định, sau những cáo buộc kiểu như vậy, các nước EU sẽ sớm áp trừng phạt dầu mỏ nhập khẩu từ Nga và quyết định này có thể sẽ được đưa ra trong một vài tháng tới.

Nhưng ngay cả khi áp trừng phạt dầu mỏ, khí đốt chống Nga, Mỹ và EU có thể cũng không thu được kết quả như mong đợi nhằm hủy hoại kinh tế Nga, buộc Moskva phải trả giá cho can thiệp quân sự ở Ukraine. Nguyên nhân là bởi một số nước, nổi bật là Ấn Độ và Trung Quốc, không kiềm chế được sức hút từ dầu thô của Nga với mức chiết khấu cao.

Ấn Độ trước đây chưa bao giờ là khách hàng lớn của Nga dù New Delhi phải nhập khẩu tới 80% nhu cầu tiêu thụ dầu thô trong nước. Hàng năm, lượng dầu Ấn Độ nhập khẩu từ Nga chỉ chiếm từ 2-5% tổng mức nhập khẩu, tương đương với tỉ lệ của Mỹ trước thời điểm Washington tuyên bố áp lệnh trừng phạt ngành dầu mỏ Nga. Trên thực tế, Ấn Độ trong năm 2021 chỉ nhập 12 triệu thùng dầu của Nga, phần lớn dầu nhập khẩu đến từ các nước như Iraq, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) và Nigeria.

Nhưng lượng dầu thô Nga cung ứng cho Ấn Độ đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Theo Matt Smith, chuyên gia hàng đầu về dầu mỏ tại hãng tư vấn Kpler, kể từ đầu tháng 3, đã có 5 chuyến tàu chở 6 triệu thùng dầu của Nga lên đường tới Ấn Độ, tương đương với 50% lượng dầu nhập khẩu của năm ngoái.

Lợi nhuận tài chính có thể là nguyên nhân chính. Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), dầu phẩm cấp cao Urals của Nga gần đây được mời chào với mức chiết khẩu cao kỉ lục. Nga chào thầu dầu Urals với một số tập đoàn chuyên về giao dịch hàng hóa như Glencore hay Vitol với mức giá rẻ hơn từ 25-30 USD/thùng so với dầu Brent.

Nhiều chuyên gia nhận định lợi ích kinh tế chính là lý do Ấn Độ đến thời điểm này vẫn bỏ qua đề xuất cũng như sức ép từ Mỹ nhằm chặn nguồn dầu thô của Nga ra thị trường. Nhưng nhiều người có thể đã quên đi một thực tế Ấn Độ luôn duy trì quan hệ nồng ấm với Nga trong nhiều năm trở lại đây. Nga là nước cung ứng 60% vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Ấn Độ, là đồng minh trụ cột của New Delhi trong các vấn đề tranh chấp với Trung Quốc, Pakistan.

Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Nga, với sản lượng nhập khẩu dầu thô đạt trung bình 1,72 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Theo thống kê của Reuters, lượng dầu Nga xuất sang Trung Quốc trong hai tháng đầu năm nay giảm 9,1%, xuống còn 1,57 triệu thùng/ngày.

Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Trung Quốc bất ngờ hưởng ứng lệnh trừng phạt của phương Tây. Đơn giản là bởi Bắc Kinh mở chiến dịch trấn áp, thanh lọc các nhà máy lọc dầu tư nhân độc lập (được gọi là teapot). Bước đi này được Trung Quốc thực hiện từ tháng 6/2021, với điểm nhấn cắt giảm mạnh quota nhập khẩu dầu thô đối với các teapot nhằm xử lý các vấn nạn về trốn thuế, buôn lậu dầu, vi phạm quy định về môi trường trong hoạt động của các teapot. Trong đợt cấp quota nhập khẩu lần thứ 2 trong năm 2022, các nhà máy lọc dầu độc lập được cấp hạn ngạch 35,24 triệu tấn dầu thô, giảm 35% so với mức 53,88 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.

Theo Ellen Wald, Chủ tịch hãng tư vấn Transversal Consulting, Trung Quốc vẫn nhập khẩu dầu của Nga và số lượng chắc chắn sẽ tăng lên nếu như phía Trung Quốc có thể thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và với mức giá chiết khấu cao. Trung Quốc vẫn thích chờ đợi giá giảm hơn nữa, bởi mức giảm giá còn khoảng 90 USD/thùng vẫn được cho là cao.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo oilprice)
Sản lượng dầu thô của Nga giảm mạnh nhất trong gần hai năm qua
Sản lượng dầu thô của Nga giảm mạnh nhất trong gần hai năm qua

Sản lượng dầu thô khai thác của Nga giảm 4,5% trong tuần đầu tháng 4 so với tháng 3, mức giảm sâu nhất kể từ thời điểm tháng 5/2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN