Đánh giá đa phương tiết lộ chi phí khổng lồ để tái thiết và khôi phục Ukraine

Báo cáo đánh giá mới nhất được thực hiện bởi Kiev, Ngân hàng Thế giới, Ủy ban châu Âu và Liên hợp quốc ước tính chi phí để xây dựng lại và khôi phục Ukraine sau xung đột với Nga lên tới 411 tỷ USD.

Chú thích ảnh
Một tòa nhà bị phá hủy sau khi trúng pháo kích trong xung đột Nga - Ukraine tại thành phố Kharkiv, ngày 8/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo cáo trên, chỉ riêng trong năm nay, chính phủ Ukraine cần 14 tỷ USD cho các khoản đầu tư tái thiết quan trọng và nên được ưu tiên nhất. Đây là khoản tài trợ bên ngoài bổ sung cho số tiền đã được phân bổ cho các nhiệm vụ này trong ngân sách hàng năm của Ukraine.

Trong một tuyên bố được đài RT ngày 23/3 dẫn lại, Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal cho biết ưu tiên của Kiev năm nay là “cơ sở hạ tầng năng lượng, nhà ở, cơ sở hạ tầng quan trọng, nền kinh tế và rà phá bom mìn nhân đạo”.

Theo người đứng đầu chính phủ Ukraine, các thiệt hại và nhu cầu phục hồi không bao gồm thiệt hại cơ sở hạ tầng, nhà ở và cơ sở kinh doanh tại các vùng lãnh thổ đã bị Nga sáp nhập (Kherson, Zaporozhye, Donetsk, Lugansk và Crimea).

Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách châu Âu và Trung Á, Anna Bjerde, nhận định quá trình tái thiết Ukraine sẽ “mất vài năm”, nhưng không đưa ra ước tính về thời điểm thực sự bắt đầu.

Vị quan chức này cho rằng các khoản đầu tư công ở Ukraine nên được “bổ sung bằng khoản đầu tư tư nhân đáng kể để tăng nguồn lực tài chính sẵn có cho việc tái thiết”.

So với đánh giá được đưa ra hồi tháng 9/2022, báo cáo trên cho thấy chi phí tái thiết và phục hồi Ukraine sau xung đột với Nga đã tăng thêm 60 tỷ USD, nhưng vẫn chưa rõ chính xác ai sẽ là người thanh toán cho hóa đơn này.

Tại hội nghị thượng đỉnh Brussels vào cuối năm 2022, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận về một số phương án sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen từng tuyên bố EU sẽ "tìm ra những con đường hợp pháp" để tịch thu tài sản Nga, giúp cho quỹ tái thiết Ukraine và khối này sẽ tìm cách tạo ra một cơ cấu để quản lý các khoản tiền đó, đầu tư chúng để mang lại lợi ích cho Kiev.

Trên thực tế, ý tưởng về việc chuyển tài sản của Nga đang bị đóng băng cho Ukraine phục vụ công cuộc tái thiết sau xung đột xem ra rất hấp dẫn, nhưng không dễ để hiện thực hoá bởi rào cản về mặt pháp lý.

Sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, Nga đã phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có.

Theo tờ Foreign Policy ngày 13/1, từ đó tới nay, các đồng minh phương Tây đã trừng phạt hơn 1.200 cá nhân, hơn 120 tổ chức và 19 ngân hàng của Nga.

Hãng tin AFP ngày 12/2 cho biết thêm các lệnh trừng phạt đã khiến một lượng lớn tài sản nhà nước, dự trữ ngoại hối và tài sản của giới tài phiệt, lãnh đạo Nga trị giá 350 tỷ USD bị đóng băng ở nước ngoài.

Các tài sản này đang ở tình trạng không rõ ràng và hiện không thể được tiếp cận sử dụng bởi từ đóng băng tới tịch thu là cả một chặng đường dài.

Theo luật sư Francis Bond thuộc công ty luật Macfarlanes có trụ sở tại London, đóng băng tài sản tương đối dễ dàng, nhưng việc tịch thu tài sản phải tuân thủ tiêu chuẩn cao hơn nhiều.

Luật sư Bond cho rằng để biến việc đóng băng thành tịch thu trong bối cảnh luật pháp hiện hành như của Vương quốc Anh thì cần phải có bằng chứng về tội phạm.

“Chính phủ không thể tự ý tịch thu tài sản mà không thuyết phục tòa án rằng có bằng chứng phạm tội”, luật sư Bond nhấn mạnh.

Thành Nam/Báo Tin tức
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo ‘ngày tận thế hạt nhân’ đã đến gần hơn
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo ‘ngày tận thế hạt nhân’ đã đến gần hơn

Hãng TASS ngày 23/3 dẫn cảnh báo của Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev nhấn mạnh: “Mỗi ngày các chuyến hàng vũ khí nước ngoài đến Ukraine cuối cùng sẽ mang ngày tận thế hạt nhân đến gần hơn".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN