Đan Mạch tiêm vaccine của AstraZeneca và Johnson & Johnson cho những người tình nguyện

Đan Mạch là quốc gia châu Âu đầu tiên tạm dừng sử dụng các loại vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca (Anh) và Johnson & Johnson (Mỹ) do lo ngại về các phản ứng phụ nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Ishoj, Đan Mạch. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, trong thông báo ngày 20/5, giới chức y tế Đan Mạch cho biết từ nay sẽ tiêm 2 loại vaccine này cho các tình nguyện viên.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế Magnus Heunicke nêu rõ 2 vaccine nói trên được đưa vào chương trình tiêm chủng không bắt buộc, chứ không nằm trong chiến dịch tiêm chủng đại trà của Đan Mạch. Theo đó, những người trưởng thành có thể lựa chọn tiêm các loại vaccine này sau khi tham vấn với bác sĩ.

Hiện chương trình tiêm chủng đại trà của Đan Mạch sử dụng vaccine do các hãng Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) và Moderna (Mỹ) sản xuất. Theo số liệu thống kê mới nhất, gần 19% trong tổng số 5,8 triệu dân của quốc gia Bắc Âu này đã được tiêm đủ liều vaccine trong khi gần 30% được tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19.

*Chính phủ Hungary đã quyết định không tham gia hợp đồng mà Liên minh châu Âu (EU) vừa ký kết mới đây với Pfizer/BioNTech để mua 1,8 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19. Hungary là nước duy nhất tại EU quyết định như vậy, tính đến thời điểm này. 

Phát biểu với báo giới, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary, ông Gergely Gulyas xác nhận quyết định trên và bày tỏ tin tưởng vào nguồn cung vaccine hiện có của nước này. Theo ông Gulyas, 49% trong tổng 9,8 triệu dân số Hungary đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 và nước này vẫn còn nhiều vaccine dự trữ. 

Ông Gulyas cho biết thêm Hungary sẽ hạn chế mua những vaccine khác thông qua cơ chế thu mua vaccine của EU trong tương lai. Quan chức này tuyên bố: “Trong trường hợp Hungary cần vaccine để tiêm mũi nhắc lại, vẫn có nhiều loại vaccine khác từ các nguồn phương Tây và phương Đông”. 

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo đã ký thỏa thuận mới với Pfizer/BioNTech để mua tới 1,8 tỷ liều vaccine. Đây là thỏa thuận thứ ba được ký kết giữa hai bên sau 2 hợp đồng mua tổng cộng 600 triệu liều. Theo cơ chế thu mua chung, EU đã ký thỏa thuận với một số hãng sản xuất vaccine phương Tây để đảm bảo nguồn cung tới 2,6 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19.

*Tại Mỹ, các quan chức y tế bang Ohio ngày 20/5 cho biết việc tiêm phòng COVID-19 ở bang này đã tăng 28% sau khi Thống đốc bang Ohio Mike DeWine thông báo chương trình quay thưởng may mắn dành cho những cư dân tiêm phòng. 

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, trong thời gian từ ngày 7-10/5, tỷ lệ tiêm chủng ở những người từ 16 tuổi trở lên tại Ohio đã giảm 25% so với cuối tuần trước đó. Sau khi Thống đốc Mike DeWine công bố quay thưởng may mắn vào ngày 12/5, cơ quan y tế tiểu bang cho biết tỷ lệ tiêm chủng đã tăng 28% trong thời gian 14-17/5.

Những người đã được chủng ngừa sẽ đủ điều kiện tham gia chương trình trị giá  hàng triệu USD. Theo bà Stephanie McCloud, Giám đốc Cơ quan y tế Ohio, sự gia tăng đáng kể về số người tham gia tiêm chủng tại bang này cho thấy chương trình có tác động rất lớn trong việc tạo động lực cho việc tiêm chủng trên khắp Ohio. 

Sau thông báo của Ohio, các bang New York và Maryland đều công bố kế hoạch thực hiện chương trình của riêng mình. Các quan chức y tế công cộng cho biết chiến dịch tiêm chủng giai đoạn hiện nay khó khăn hơn vì những người háo hức được tiêm chủng nhất đều đã đi tiêm. Theo dữ liệu của Our World in Data, số lượng người tiêm chủng trên toàn nước Mỹ đã giảm xuống còn khoảng 1,8 triệu người/ngày, giảm so với con số hơn 3 triệu người/ngày trong tháng 4.

Nguyễn Hằng - Bùi Đại Thắng (TTXVN)
Thái Lan triển khai tiêm vaccine cho các nhà sư
Thái Lan triển khai tiêm vaccine cho các nhà sư

Trong tuần này, Thái Lan đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các nhà sư với hy vọng giúp họ thực hiện an toàn các hoạt động tôn giáo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN