Ấn Độ ghi nhận 26 trường hợp nghi bị đông máu sau tiêm vaccine của AstraZeneca

Ngày 17/5, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo đã ghi nhận 26 trường hợp nghi bị rối loạn đông máu sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Tuy nhiên, bộ này nhấn mạnh đây là tỷ lệ rủi ro "rất nhỏ" xét trên tổng số 164 triệu liều vaccine đã được tiêm.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong chương trình tập huấn tiêm chủng tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 2/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ủy ban Đánh giá các tác dụng phụ của dược phẩm của Ấn Độ đã xem xét 498 trường hợp gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm, trong đó có 26 trường hợp có nguy cơ hình thành cục máu đông trong cơ thể. Bộ trên cho biết tỷ lệ mắc tác dụng phụ này sau khi tiêm tại Ấn Độ là khoảng 0,61/1 triệu liều, thấp hơn nhiều so với mức 4/1 triệu liều ở Anh và 10/1 triệu liều ở Đức.

Bộ trên kết luận số trường hợp bị xuất huyết và đông máu sau khi tiêm vaccine ở Ấn Độ là rất nhỏ và tương ứng với con số ước tính. Vaccine của AstraZeneca tiếp tục mang lại lợi ích tích cực nhất định, giúp ngăn chặn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và giảm số ca tử vong do COVID-19.

Đối với vaccine Covaxin do Ấn Độ sản xuất, ủy ban trên không phát hiện trường hợp nào bị đông máu sau khi tiêm. Hiện đã có gần 19 triệu liều vaccine loại này được tiêm tại Ấn Độ.

Cùng ngày, một số nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc cho biết Các Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) đã đề nghị trích một phần vaccine ngừa COVID-19 hỗ trợ chính phủ sở tại giải quyết tình trạng thiếu hụt vaccine hiện nay.

Theo các nguồn tin trên, mới đây, USFK đã ngỏ ý hỗ trợ khoảng 13.000 liều vaccine của Johnson & Johnson (J&J). Hiện giới chức quốc phòng và y tế Hàn Quốc đang thảo luận về cách thức sử dụng số vaccine này cũng như các chi tiết khác. 

Một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này đang thảo luận với Mỹ về các cách thức hợp tác về vấn đề trên. Trong khi đó, người phát ngôn USFK, Đại tá Lee Peters cho biết USFK tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc và Bộ Quốc phòng nước này về việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm cấp phép. 

Tháng 3 vừa qua, USFK đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine của J&J và Moderna cho các binh sĩ của mình. Tới nay, đã có khoảng 70% binh sĩ thuộc USFK đã được tiêm chủng.

Trước đó cùng ngày, chủ trì cuộc họp đội ngũ cố vấn Phủ Tổng thống, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố sẽ coi chuyến thăm Mỹ trong tuần này là cơ hội để đẩy mạnh hợp tác về sản xuất và cung cấp vaccine ngừa COVID-19, đưa Hàn Quốc trở thành trung tâm toàn cầu về sản xuất vaccine.
Dự kiến, Tổng thống Moon Jae-in sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Washington vào ngày 21/5 tới. Một trong những nội dung nghị sự là đẩy mạnh hợp tác song phương về vaccine ngừa COVID-19. Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận cụ thể về việc giải quyết cung cầu vaccine thông qua một "hiệp định hoán đổi vaccine", hay vấn đề chuyển giao công nghệ để sản xuất loại vaccine này tại Hàn Quốc.

Phương Oanh (TTXVN)
Ireland cân nhắc mở rộng đối tượng tiêm vaccine ngừa COVID-19
Ireland cân nhắc mở rộng đối tượng tiêm vaccine ngừa COVID-19

Giới chức y tế Ireland đang cân nhắc cho phép sử dụng các vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca (Anh/Thụy Điển) và Johnson & Johnson (Mỹ) cho những người trong độ tuổi từ 40 đến 49. Hiện những vaccine trên đang được tiêm cho những người ngoài 50 tuổi tại Ireland.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN