Trao đổi với báo giới ngày 17/5, bác sĩ Colm Henry, trưởng đơn vị lâm sàng thuộc Cơ quan điều hành dịch vụ y tế Ireland, cho biết một nhóm chuyên gia đã khuyến nghị cân nhắc sử dụng 2 loại vaccine trên cho những người từ 40 đến 49 tuổi "với một số điều kiện". Ông cho biết quyết định cuối cùng sẽ sớm được thông báo.
Sau hơn 5 tháng áp đặt hạn chế nghiêm ngặt để phòng, chống dịch COVID-19, ngày 10/5 vưa qua, Ireland đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại và cho phép các hộ kinh doanh thuộc lĩnh vực không thiết yếu hoạt động trở lại theo từng giai đoạn. Theo Phó Thủ tướng Ireland Leo Varadkar, dự kiến khoảng 12.000 doanh nghiệp tại nước này được phép mở cửa trở lại vào tuần tới. Từ ngày 17/5, các doanh nghiệp bán buôn cũng nối lại hoạt động và ước tính khoảng 100.000 người sẽ trở lại làm việc trong tháng 5 này.
Theo thống kê mới nhất, Ireland - quốc gia với khoảng 5 triệu dân - đã ghi nhận 255.672 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.941 người không qua khỏi. Dữ liệu của Đại học Oxford (Anh) cho thấy sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế vào tháng 12/2020, số ca nhiễm mới của Ireland đã tăng mạnh và tháng 1 vừa qua, lần đầu tiên nước này ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm ở mức cao nhất trên thế giới, buộc nhà chức trách phải ra lệnh phong tỏa đợt 3.
* Ngày 17/5, Liên minh vaccine toàn cầu GAVI cho biết Đài Loan (Trung Quốc) sẽ nhận được vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca chậm nhất vào cuối tháng 6 tới, trong bối cảnh gia tăng ca nhiễm tại vùng lãnh thổ này.
GAVI và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang cùng điều hành chương trình COVAX để cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho những nước và vùng lãnh thổ gặp khó khăn trong việc tiếp cận chế phẩm này.
Thống kê mới nhất của trang worldometers.com cho thấy Đài Loan đã ghi nhận 2.017 ca mắc, trong đó có 12 ca tử vong vì COVID-19.
* Liên quan vấn đề bản quyền đối với vaccine ngừa COVID-19, ngày 17/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này ủng hộ lời kêu gọi của các nước đang phát triển về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine phòng COVID-19.
Tuyên bố trên được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đưa ra trong một cuộc họp báo thường kỳ.
Trước đó, ngày 5/5, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 và sẽ đàm phán các điều khoản tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Thông báo về vấn đề này, Đại diện Thương mại Katherine Tai nhấn mạnh mặc dù quyền sở hữu trí tuệ là quan trọng đối với doanh nghiệp, tuy nhiên Washington ủng hộ dỡ bỏ biện pháp bảo vệ đó đối với vaccine ngừa COVID-19. Nhiều nước khác, trong đó có Pháp, Ấn Độ, New Zealand và các tổ chức quốc tế như WHO và GAVI đã hoan nghênh ý tưởng này. Tuy nhiên, các hãng dược phẩm lớn phản đối ý tưởng từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa COVID-19, cho rằng việc này sẽ tạo tiền lệ có thể gây tổn hại sự đổi mới, cải tiến trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh động thái này sẽ không giúp thúc đẩy sản xuất vaccine.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tạm thời chưa đưa ra quyết định về vấn đề từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine phòng COVID-19 vì cho rằng còn nhiều vấn đề cấp bách hơn cần phải xem xét.