Theo đài Sputnik, trước những năm 1990, Do Thái – ngôn ngữ chính thức của Israel - được dạy tại nhiều trường học của người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza. Tuy nhiên, kể từ khi chính quyền Palestine thành lập vào năm 1994, tiếng Do Thái mất đi vị thế của mình.
Căng thẳng giữa hai tộc người kéo theo 4 cuộc chiến tranh giữa Israel và phong trào Hamas đã đẩy nhiều người Palestine từ bỏ tiếng Do Thái. Trong nhiều năm, Do Thái bị coi là “ngôn ngữ của kẻ thù”. Rất ít người muốn học nó và những ai lựa chọn học ngôn ngữ đó sẽ bị những người xung quanh nhìn với ánh mắt dò xét, nghi ngờ.
Tuy nhiên, thái độ tiêu cực đối với tiếng Do Thái dường như đang thay đổi. Tháng 6/2021, Israel hoan nghênh chính phủ mới do Thủ tướng Naftali Bennett lãnh đạo. Ngay từ đầu, liên minh của ông đã cam kết cải thiện tình hình an ninh quốc gia và thực hiện một số nhượng bộ trước Hamas nhằm đổi lại sự bình yên cho đất nước.
Một trong những cam kết nhượng bộ là quyết định cấp phép làm việc cho khoảng 10.000 người dân tại Dải Gaza – một trong những nơi có tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói đạt mức cao chưa từng thấy.
Tháng 10/2021, hàng chục nghìn người dân Gaza đã xếp hàng ngoài các văn phòng thương mại với hy vọng xin được giấy cấp phép làm việc trong Israel. Nhiều người đã đổ xô đi đăng ký học tại các lớp tiếng Do Thái để có thể giao tiếp với những nhà tuyển dụng trong tương lai.
Anh Salim Shamali (39 tuổi), cha của 6 người con ở Gaza, cho biết anh đã học tiếng Do Thái được một tháng, sau khi đăng ký nhận giấy phép lao động lên giới chức Israel. "Học tiếng Do Thái rất quan trọng đối với tôi vì nó sẽ giúp tôi có thể nói chuyện với người thuê. Nhưng quan trọng hơn, nó sẽ giúp tôi hiểu văn hóa Israel và cách mà họ nghĩ", Salim chia sẻ.
Ahmed Al-Falit, một người Palestine đã dạy ngôn ngữ này trong nhiều năm, nói rằng nhu cầu học tiếng Do Thái đang nở rộ. "Trong những tháng gần đây, tôi thấy số lượng học viên đăng ký và đến lớp tăng 400%. Phần lớn những người đến học vì các nhà tuyển dụng tương lai. Một số đến đây vì tò mò. Đơn giản vì họ muốn biết tiếng Do Thái”.
Al-Falit cho biết anh hiểu được sự thôi thúc và tò mò của những người muốn học tiếng Do Thái. Bản thân anh đã học ngôn ngữ này khi bị giam giữ trong một nhà tù ở Israel 20 năm vì tội danh khủng bố. Cũng như những tù nhân khác, anh nỗ lực để lấy chứng chỉ khi đang thụ án. Khi được trả tự do vào năm 2011 như một phần của thỏa thuận Gilad Shalit, anh quyết định sử dụng ngôn ngữ đó và biến nó thành nghề kiếm sống.
Al-Falit nói: “Nếu tôi là người ra quyết định ở Gaza, tôi sẽ khuyến khích tất cả mọi người học tiếng Do Thái. Israel là láng giềng của chúng tôi, cho dù chúng tôi muốn hay không. Mặc dù chúng tôi không đồng tình về cách hành xử chính trị của Israel nhưng chúng tôi cũng cần hiểu tâm lý của họ. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua việc học ngôn ngữ”.
Học sinh của Al-Falit cũng đồng quan điểm với anh. Đối với Shamali, đây là cơ hội để cải thiện điều kiện sống của gia đình và mang bữa ăn về cho các con. Shamali còn cho biết việc học tiếng Do Thái còn thay đổi suy nghĩ của anh về con người Israel.
“Những lớp học như này giúp tôi biết rõ về văn hóa và con người Israel. Bỗng dưng tôi nhận ra nhiều người trong số đó, đến từ các quốc gia Arab, có cùng văn hóa với chung tôi. Và tôi nhận ra họ cũng muốn sống trong hòa bình”, Shamali kết luận.