Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc kêu gọi các nỗ lực hàn gắn bất đồng thương mại giữa Seoul và Tokyo

Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris ngày 20/8 đã kêu gọi giới doanh nghiệp hàng đầu quốc gia Đông Bắc Á này giúp hàn gắn bất đồng thương mại giữa Seoul và Tokyo. 

Chú thích ảnh
Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris phát biểu tại một sự kiện tại Seoul ngày 4/12/2018. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp kín với các giám đốc điều hành 30 doanh nghiệp hàng đầu địa phương tại trụ sở Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKI) ở thủ đô Seoul, Đại sứ Mỹ Harris hối thúc các lãnh đạo doanh nghiệp góp phần giải quyết bất đồng thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản thông qua việc tăng cường tiếp xúc với các công ty nước láng giềng. Theo ông, việc khôi phục quan hệ giữa Seoul-Tokyo có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với 2 nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn đối với liên minh giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Quan hệ Hàn-Nhật, hai nước đồng minh của Mỹ, đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc các doanh nghiệp Nhật Bản phải bồi thường thiệt hại cho những người Hàn Quốc bị ép làm việc tại các doanh nghiệp này trong thời gian Thế chiến thứ 2. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố mọi yêu cầu đền bù đều đã được giải quyết dứt khoát và đầy đủ từ năm 1965 khi Nhật Bản và Hàn Quốc bình thường hóa quan hệ. Mặc dù vậy, một số nguyên đơn ở Hàn Quốc đã bắt đầu bán chứng khoán mà họ đã tịch thu của các doanh nghiệp Nhật Bản theo sự cho phép của tòa án.

Đáp lại, đầu tháng 7 vừa qua, Nhật Bản siết chặt xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao, trong đó có chất cản quang, dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc. Nhật Bản cũng đã loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" các đối tác đáng tin cậy được hưởng ưu đãi thương mại. Seoul chỉ trích động thái này là sự trả đũa của Tokyo đối với các phán quyết của tòa án Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên (từ năm 1910-1945). Ngày 12/8 vừa qua, Hàn Quốc tuyên bố cũng loại Nhật Bản khỏi danh sách các đối tác được hưởng ưu đãi thương mại của Seoul.

Dự kiến, các Ngoại trưởng Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ thảo luận hợp tác 3 bên tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) từ tối 20 đến 22/8. Phát biểu tại Seoul trước khi rời đi Trung Quốc, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha khẳng định Seoul sẽ tích cực thể hiện quan điểm của mình. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Aso cho biết sẽ trao đổi quan điểm về một loạt vấn đề mâu thuẫn giữa Tokyo và Seoul. Theo ông, các cuộc hội đàm tại Bắc Kinh tái khẳng định "việc hợp tác song phương chặt chẽ" giữa Nhật Bản với Hàn Quốc cũng như mối quan hệ 3 bên với Mỹ. 

Dù gần đây, hai bên đã dịu giọng trong các phát biểu công khai, song giới phân tích cho rằng các cuộc hội đàm sắp tới tại Bắc Kinh sẽ khó đạt được đột phá.

Ngọc Hà (TTXVN)
Nhật Bản phê duyệt thêm một lô hàng vật liệu công nghệ cao xuất sang Hàn Quốc
Nhật Bản phê duyệt thêm một lô hàng vật liệu công nghệ cao xuất sang Hàn Quốc

Hãng thông tấn Yonhap dẫn một số nguồn tin chính phủ và công nghiệp Hàn Quốc cho biết chính phủ Nhật Bản đã cho phép xuất khẩu sang Hàn Quốc lô hàng vật liệu công nghệ cao thứ hai kể từ khi áp đặt hạn chế xuất khẩu từ tháng 7 vừa qua. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN