Đại diện của Đại học Havard phủ nhận cáo buộc phân biệt đối xử với các sinhh viên gốc châu Á, song lại bảo vệ quyền sử dụng các tiêu chí xét tuyển rộng rãi hơn so với việc chỉ xét thành tích học tập, chẳng hạn như tiêu chí về tính cách... nhằm tạo ra một cộng đồng sinh viên đa dạng.
Trường đại học lâu đời nhất nước Mỹ này cũng lưu ý rằng từ năm 2010, tỷ lệ sinh viên gốc châu Á đã tăng đáng kể, và hiện nay chiếm 23% trong số 2.000 sinh viên mới nhập học được sàng lọc từ khoảng 40.000 hồ sơ. Sinh viên gốc Phi là khoảng 15% và 12% là sinh viên gốc Tây Ban Nha.
Bên nguyên trong vụ kiện này là nhóm "Sinh viên Vì tuyển sinh công bằng" do nhà hoạt động xã hội Edward Blum đứng đầu. Ông này trước đây từng được biết đến với vụ kiện Đại học Austin, bang Texas liên quan tới chính sách "Affirmative Action" (chính sách đặc cách dành cho những sắc tộc hay chủng tộc thiểu số).
Trong phiên đầu tiên tại tòa, luật sư của bên nguyên cáo buộc rằng Đại học Harvard đã lạm dụng tiêu chí về tính cách để gây bất lợi cho những sinh viên gốc Á, trong khi lại thiên vị các sinh viên người da trắng, người Mỹ gốc Tây Ban Nha và người da màu.
Trong khi đó, luật sư của bên bị - Đại học Harvard - khẳng định rằng trường đại học này không thể đạt được các mục tiêu giáo dục đã đề ra nếu không xét đến tiêu chí sắc tộc, đồng thời nhấn mạnh rằng tiêu chí sắc tộc không bao giờ là một yếu tố tiêu cực trong quy trình tuyển sinh.
Tại Mỹ, Tòa án Tối cao cho phép các trường đại học sử dụng tiêu chí sắc tộc trong tuyển sinh, nhưng đồng thời quy định tiêu chí này chỉ được đưa ra trong thời hạn nhất định và phải được điều chỉnh để thúc đẩy sự đa dạng sắc tộc trong môi trường học đường.
Nhằm chấm dứt việc sử dụng tiêu chí sắc tộc trong tuyển sinh đại học, chính quyền Tổng thống Donald Trump ủng hộ vụ kiện của ông Blum và nhóm "Sinh viên Vì tuyển sinh công bằng", cáo buộc Đại học Harvard "cân bằng chủng tộc" trong quy trình tuyển sinh, gây bất lợi cho các sinh viên gốc châu Á.