Theo tờ New York Times, các thói quen ăn uống của người Pháp đã bị đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tác động nghiêm trọng. Lệnh giới nghiêm lúc 6 giờ tối đã ngăn cản người dân ra ngoài dùng bữa. Việc tất cả các quán cà phê và nhà hàng tại một trong những kinh đô ẩm thực thế giới này phải đóng cửa, không nhận khách, đồng thời chuyển sang hình thức mua về dùng tại nhà… đã khiến không ít người phẫn nộ phản đối.
Người phát ngôn của Bộ Lao động cho biết một nghị định liên quan đến việc điều chỉnh lối sống khác sẽ được công bố rộng rãi trong vài ngày tới nhằm hạn chế tiếp xúc giữa những người lao động. Trước khi có quy định mới, các công ty đã bị cấm để nhân viên ăn uống tại những nơi dành riêng cho công việc.
Tờ báo kinh tế hàng đầu nước Pháp Les Echos đã đăng một bài báo về quy định ăn trưa tại bàn làm việc với hình ảnh đầy bất ngờ: một người phụ nữ ăn sa lát xà lách và cà chua trong hộp đựng bằng nhựa đặt ngay trước chiếc máy tính xách tay. Nụ cười gượng gạo nở trên khuôn mặt cô. Hình ảnh cô hiện lên chẳng kèm theo lời bình nào. Một tay cô cầm điện thoại, tay kia cầm chiếc dĩa, còn đôi mắt dán vào màn hình máy tính.
Từ trước đến nay, bất kỳ công ty nào cho phép nhân viên ăn trưa tại bàn làm việc đều bị phạt nếu bị thanh tra về thực thi nội quy lao động phát hiện. Nhân viên vi phạm phải đối mặt với hình thức kỷ luật không xác định.
Lệnh cấm này hoàn toàn phù hợp với việc tăng cường quyền của người lao động được ghi trong bộ luật lao động hình thành vào thế kỷ 20 với tiền đề rằng mọi chủ doanh nghiệp đều là một nhà tư bản tàn nhẫn muốn bóc lột người lao động, ví dụ bằng cách bắt họ làm việc thông qua giờ ăn trưa.
Nó cũng phản ánh sự gắn bó mãnh liệt của người Pháp với "art de vivre" (quy tắc sống) của đất nước. Họ không thể vừa ăn món cốt lết cừu với khoai tây áp chảo vừa nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính.
“Người Pháp chúng tôi và người Mỹ các anh có những quan niệm khác biệt về công việc. Thật thảm họa nếu ngồi ăn ngay tại bàn làm việc. Bạn cần tạm dừng công việc để thư giãn đầu óc. Vận động cơ thể một chút. Khi trở lại làm việc, bạn sẽ thấy mọi thứ khác biệt”, bà Agnes Dutin, một phiên dịch viên nghỉ hưu, chia sẻ trong lúc đi siêu thị.
Việc ăn uống ở Pháp, bất kể sự xâm nhập của các món ăn nhanh, vẫn là một trải nghiệm xã hội đầy tinh tế hơn là một vấn đề dinh dưỡng đơn thuần. Tại đất nước làm việc 35 giờ/tuần, mặc dù thường xuyên bị phá vỡ, thói quen ăn trưa tại bàn làm việc giống người Mỹ bị xem là một dấu hiệu đáng ngại cho thấy sự kém cỏi giữa cân bằng giữa công việc và cuộc sống. “Bạn chỉ sống một lần thôi”, bà Dutin nhấn mạnh.
Các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 đặc biệt gây khó khăn đối với các chủ nhà hàng. Một số chủ kinh doanh đã đề nghị mở cửa bất chấp lệnh của chính phủ. Hành động trên đã khiến Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cảnh báo rằng “cuộc nổi dậy” như vậy sẽ nhận hậu quả là mất hỗ trợ tài chính của chính phủ.
Chỉnh sửa Luật lao động nhằm giúp việc tuyển dụng và sa thải được linh hoạt hơn ở Pháp đã là một kế hoạch chính trong nhiệm kỳ của Tổng thống Emmanuel Macron. Sự thay đổi này đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp, vốn ở mức 10% trước khi ông nhậm chức.
Ông Macron đã quyết định không phong tỏa đợt thứ ba bất chấp mức độ nguy hiểm của đại dịch. Tuy nhiên, chính phủ của ông đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn virus tại nơi làm việc, bằng cách nhấn mạnh rằng các công ty phải ưu tiên làm việc từ xa bất cứ khi nào có thể, đồng thời giãn cách nhân viên ở khoảng cách ít nhất 2 mét nếu họ đến văn phòng. Và bây giờ là bằng cách cho phép nhân viên ăn ngay tại bàn làm việc của họ.
Không rõ có bao nhiêu người Pháp đã làm như vậy. Toàn cầu hóa, hay chỉ là Mỹ hóa đơn thuần, cũng không tránh khỏi tác động đến nước Pháp. Tuy nhiên, quyết định của Bộ Lao động là một sự chuyển hướng rõ rệt.
Một video trào phúng đang phổ biến trên mạng xã hội Pháp cho thấy một nhóm khách du lịch đến thăm "Bảo tàng Nhà hàng" của Pháp. Họ vô cùng ngạc nhiên khi nữ hướng dẫn viên giải thích rằng trước thời COVID-19 mọi người đã cùng nhau ăn lạc ở quán bar từ cùng một cái bát và ngồi đối diện nhau trong bữa tối. Những du khách, nói bằng thứ tiếng Pháp lơ lớ, lắc đầu ngao ngán.
Ở một đất nước đã ăn sâu lối mòn của những thói quen cũ, đã đến lúc cần đến sự thay đổi dù đáng lo ngại. Bà Agnes Dutin cảm thấy phản ứng đối với đại dịch ở Pháp quá chậm và thất thường. Mẹ của bà qua đời vì COVID-19 năm ngoái ở tuổi 88. Xem qua các giấy tờ cũ của mẹ, bà Dutin tìm thấy ghi chép của mẹ mình khi còn đi học vào những năm 1940 mô tả hướng dẫn của giáo viên về cách chống lại bệnh lao, chẳng hạn như không bao giờ uống cùng ly với người khác.
Bà nói: “Đó là một căn bệnh nghiêm trọng hơn vào thời điểm khoa học còn kém tiên tiến hơn nhiều. Bây giờ nỗi sợ hãi đang ở khắp mọi nơi. Bạn sinh ra để chết. Ngày này hay ngày khác, vì lý do này hay lý do khác. Chúng ta đang sống trong một sự sai lầm".