Đây là lần đầu tiên trong gần 2 tháng qua, Trung Quốc không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, dấu hiệu cho thấy nước này đang dần ngăn chặn được làn sóng dịch bệnh mới nhất khi xuất hiện các ổ dịch lớn ở tỉnh Hà Bắc giáp thủ đô Bắc Kinh, và các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm ở miền Đông Bắc.
Hiện tổng số ca bệnh tại Trung Quốc đại lục là 89.706 ca, trong đó 4.636 ca tử vong do COVID-19.
* Tại Hàn Quốc, cùng ngày, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 289 ca nhiễm mới, trong đó 264 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 81.185 ca. Đây là mức tăng theo ngày thấp nhất kể từ cuối tháng 11/2020, thời điểm làn sóng dịch bệnh thứ 3 bắt đầu bùng phát ở nước này.
Theo KDCA, Hàn Quốc ghi nhận thêm 3 ca tử vong COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 1.474 người.
Trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu giảm dần, giới chức Hàn Quốc đã quyết định nới lỏng quy định giãn cách xã hội ở các khu vực ngoài thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Theo đó, từ ngày 8/2, các nhà hàng, quán cà phê, quán bar và câu lạc bộ thể thao ở ngoài thủ đô Seoul và vùng phụ cận được phép mở cửa thêm 1 giờ đến 22h hằng ngày. Tuy nhiên, quy định đóng cửa từ 21h hàng ngày vẫn áp dụng với các đối tượng này tại khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận.
Tuy nhiên giới chức y tế Hàn Quốc vẫn được đặt trong trạng thái cảnh giác cao trước thềm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán diễn ra từ ngày 11 - 13/2 tới, thời điểm hàng triệu người dân nước này thường đi thăm người thân và họ hàng. Do đó, những quy định về giãn cách xã hội khác như lệnh cấm tập trung từ 5 người trở lên vẫn được duy trì. Hiện thủ đô Seoul và vùng phụ cận đang áp đặt biện pháp phòng dịch ở cấp độ 2,5, mức cao thứ 2 trong thang gồm 5 cấp, trong khi những khu vực còn lại áp dụng cấp độ 2.
* Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét khả năng dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trước thời hạn ở một số khu vực trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có dấu hiệu lắng dịu ở nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) Norihisa Tamura cho biết số ca nhiễm mới đang giảm từ mức đỉnh. Nếu tình trạng khẩn cấp tiếp tục được áp dụng trong thời gian quá dài sẽ gây ra các vấn đề xã hội và kinh tế, tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau khi cân nhắc nhiều yếu tố.
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận từ ngày 8/1 đến 7/2. Sau đó, phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp được mở rộng ra 7 tỉnh khác vào ngày 13/1. Hôm 2/2, Thủ tướng Suga Yoshihide đã quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở tỉnh Tochigi, nhưng lại gia hạn tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 9 tỉnh, thành khác tới ngày 7/3.
Trong những ngày gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 tại Nhật Bản đã bắt đầu lắng dịu. Ngày 7/2, Nhật Bản phát hiện thêm 1.631 ca nhiễm mới, trong đó thủ đô Tokyo có 429 ca. Đây là lần đầu tiên trong 6 ngày qua, số ca nhiễm mới ở nước này giảm xuống dưới ngưỡng 2.000 ca/ngày và là ngày thứ 10 liên tiếp, số ca nhiễm mới ở Tokyo ở dưới ngưỡng 1.000 ca/ngày. Trong khi đó, số ca nguy kịch cũng giảm từ 815 ca ghi nhận một ngày trước đó xuống còn 795 ca.
Mặc dù vậy, số người tử vong vì COVID-19 vẫn ở mức cao sau khi đạt đỉnh 120 người vào ngày 3/2. Đáng chú ý, số người cao tuổi tử vong vì dịch bệnh này vẫn đang tăng. Vì vậy, giới chức MHLW muốn 10 tỉnh, thành nằm trong phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp tiến hành xét nghiệm tập trung đối với các cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Ngoài ra, vẫn còn tới 12 trong tổng số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản có tỷ lệ giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19 ở các bệnh viện trên ngưỡng 50%.