COVID-19 tại ASEAN ngày 30/7: Thái Lan công bố mô hình dự báo đại dịch; Indonesia lập trung tâm sản xuất vaccine toàn cầu

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 30/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 93.615 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 144.590 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Samut Prakan, Thái Lan, ngày 26/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Việt Nam và Philippines. Đông Nam Á đang là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” ngày càng nghiêm trọng, số ca mắc mới và ca tử vong tăng mạnh. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong cao nhất châu Á và số ca mắc mới cao nhất thế giới. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia chiếm tới trên 50% số người chết của cả châu Á và Indonesia hiện là tâm dịch của cả thế giới.

Trong khi đó, diễn biến dịch cũng rất nghiêm trọng ở Philippines trong mấy ngày gần đây. Tuy nhiên, Philippines đang chứng kiến số ca tử vong và ca mắc thấp hơn khá nhiều các nước thành viên khác, báo hiệu dịch có dấu hiệu chững lại ở quốc gia này. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận 145 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 29/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia tình hình vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện cũng là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động.

Ngày 30/7, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 134 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ ba trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Pattani, Thái Lan, ngày 19/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 30/7 ghi nhận thêm trên 17.345 ca bệnh mới (nhiều thứ 2 khu vực), trong khi số ca tử vong là 117 người. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.

Campuchia dịch bệnh cũng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 668 bệnh nhân mới và 25 ca tử vong trong một ngày qua. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Thủ đô Phnom Penh vẫn là điểm dịch nặng nhất của Campuchia.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 144.592 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 2.319 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 7.211.847 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 5.844.785 trường hợp.

Chú thích ảnh
Người dân chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại San Juan, Philippines ngày 27/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, có 8/11 nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Diễn biến dịch COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á ngày 30/7:

Quốc gia Tổng số ca mắc Số ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 3,372,374 +41,168 92,311 +1,759 2,730,720
Philippines 1,580,824 +8,562 27,722 +145 1,491,182
Malaysia 1,095,486 +16,840 8,859 +134 902,921
Thái Lan 578,375 +17,345 4,679 +117 381,170
Myanmar 289,333   8,552   202,235
Việt Nam 137,062 +8,649 1,022 +139 31,780
Campuchia 76,585 +668 1,375 +25 69,198
Singapore 64,861 +139 37   62,733
Timor-Leste 10,695   26   9,802
Lào 5,919 +244 6   2,774
Brunei 333   3   270
Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt trước khi vào lớp tại một trường học ở Bangkok, Thái Lan, ngày 1/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan giới thiệu mô hình dự báo COVID-19

Bộ Y tế Thái Lan ngày 30/7 cho rằng quốc gia Đông Nam Á này có thể giữ cho số ca tử vong hằng ngày do COVID-19 dưới con số 200 bằng việc đẩy nhanh công tác tiêm chủng và áp dụng các biện pháp phong tỏa trong 2 tháng. Đây là kết quả tính toán từ mô hình mới nhất mà Bộ Y tế Thái Lan đang áp dụng.

Cục trưởng Cục kiểm soát dịch bệnh Opas Karnkawinpong cho biết mô hình cho thấy nếu không có những hạn chế nghiêm ngặt hiện nay, số các mắc COVID-19 hằng ngày sẽ vượt quá 40.000 ca vào ngày 14/9 và số ca tử vong sẽ vượt qua 500 ca/ngày vào ngày 28/9.

Các biện pháp đang được áp dụng hiện nay có hiệu lực tại 13 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, bao gồm cả Bangkok, từ ngày 20/7 và dự kiến kết thúc vào 2/8. Tuy nhiên, các nhà chức trách Thái Lan đang xem xét kéo dài việc phong tỏa.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Bangkok, Thái Lan, ngày 26/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Cục kiểm soát dịch bệnh đã đánh giá xu hướng lây nhiễm và tử vong dựa trên các kịch bản phong tỏa một tháng và hai tháng kể từ ngày 20/7. Truyền thông sở tại dẫn lời Tiến sĩ Opas cho biết nếu các biện pháp phong tỏa kéo dài trong một tháng có thể giảm 20% số ca lây nhiễm, số ca mắc hằng ngày sẽ vẫn còn hơn 30.000 ca vào đầu tháng 10 tới. Mô hình cũng cho thấy các ca tử vong mới sẽ đạt đỉnh ở mức dưới 500 vào ngày 26/10.

Nếu các biện pháp phong tỏa làm giảm 20-25% số ca lây nhiễm và được kéo dài trong hai tháng, số ca mắc mới hằng ngày sẽ ở mức trên 20.000 vào tháng 10 và tháng 11, và số ca tử vong sẽ đạt đỉnh ở mức dưới 400 vào giữa tháng 11.

Tiến sĩ Opas cho rằng các con số sẽ cải thiện đáng kể nếu thực thi hạn chế trong 2 tháng, kết hợp với tăng cường tiêm chủng cho người cao tuổi, phụ nữ mang thai và những người có bệnh mãn tính, điều mà Chính phủ hiện đang tiến hành. Khi đó, số ca tử vong hằng ngày vẫn sẽ hơn 100 ca, nhưng sẽ giảm dần.

Chú thích ảnh
Người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 27/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia xây dựng Trung tâm sản xuất vaccine toàn cầu

 Ngày 30/7, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này đang phối hợp cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm đạt được những bước cuối cùng trong việc chuẩn bị xây dựng Trung tâm sản xuất vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu tại quốc gia Đông Nam Á này.

Bộ trưởng Budi cho biết dự kiến trung tâm này sẽ sản xuất vaccine dựa trên công nghệ DNA và mRNA. Việc lựa chọn các công nghệ này là do hệ thống y tế toàn cầu cần phát triển sản xuất cả hai công nghệ này trong hoạt động sản xuất vaccine ngừa COVID-19.

Vaccine Red&White do một số trường đại học và tổ chức y khoa tại Indonesia đang nghiên cứu phát triển. Trong đó, Đại học Airlangga có tiến độ nghiên cứu nhanh nhất nhờ vào việc kết hợp hai công nghệ kể trên để bất hoạt virus. Bộ trưởng Budi cho biết thêm sẽ mời các nhà sinh học phân tử thuộc Đại học Airlangga tham gia nghiên cứu và phát triển vaccine tại Trung tâm sản xuất vaccine toàn cầu.

Trước đó, sáng kiến đưa Indonesia trở thành trung tâm sản xuất vaccine của khu vực và thế giới đã được Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đề xuất tại cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng 4/2021. Bắc Kinh đã bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất trên, đồng thời cam kết hỗ trợ Jakarta thực hiện sáng kiến này.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bali, Indonesia ngày 27/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ tiếp tục lây lan mạnh tại khu vực Đông Nam Á, trong đó Indonesia là quốc gia đang có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất.

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nước này đã ghi nhận tổng cộng 1.580.824 ca nhiễm, trong đó riêng ngày 30/7 là 8.562 ca. Tổng số bệnh nhân COVID-19 tử vong tại nước này cũng đã lên tới 27.722 ca sau khi có thêm 145 người không qua khỏi trong 24 giờ qua.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Philippines đã quyết định siết chặt lệnh phong tỏa ở mức cao nhất tại vùng thủ đô Manila từ ngày 6 đến 20/8. Hiện vùng thủ đô Manila duy trì lệnh phong tỏa đã được tăng cường trước đó.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Nhà Trắng thông báo Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Việt Nam
Nhà Trắng thông báo Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Việt Nam

Ngày 30/7 (theo giờ Washington D.C), Nhà Trắng thông báo Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ thăm Việt Nam và Singapore vào tháng tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN