Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 8/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar và Campuchia. Đông Nam Á đang là một trong những điểm dịch nóng nhất châu Á.
Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” đang quay đầu tăng mạnh cả số ca mắc mới và ca tử vong. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất châu Á, số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất kể từ đầu dịch tới nay trong nhiều ngày liên tiếp. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia cao hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại và cao hơn cả tâm dịch Ấn Độ, trở thành tâm dịch mới của châu Á.
Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn khá nghiêm trọng ở Philippines trong mấy ngày gần đây. Trong ngày 14/7, Philippines đã không còn là quốc gia có số ca mắc và tử vong cao của khu vực nữa. Nước này 24 giờ qua chứng kiến số ca tử vong tăng mạnh trở lại.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Sungai Buloh, Malaysia ngày 28/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện cũng là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.
Ngày 14/7, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ hai Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 118 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 4 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 7.083 ca COVID-19 mới và 145 trường hợp tử vong. Tình hình dịch bệnh tại Myanmar đang rất nghiêm trọng vì cả số ca mắc mới và tử vong đều tăng vọt mấy ngày gần đây.
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại một bệnh viện ở Bogor, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 14/7 ghi nhận thêm trên 9.317 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 87 người, giảm đôi chút so với mấy ngày qua. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng trở lại, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok đã bị áp lệnh giới nghiêm.
Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 915 bệnh nhân mới và 33 ca tử vong trong một ngày qua. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Thủ đô Phnom Penh vẫn là điểm dịch nặng nhất của Campuchia.
Trong ngày 14/7, Singapore sau nhiều ngày bình yên nay cũng đã ghi nhận các ca bệnh mới trong mấy ngày gần đây, với 60 trường hợp trong 24h qua. Tuy nhiên, nước này đã nhiều tháng không có ca tử vong vì COVID-19.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 110.245 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 1.514 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 5.769.502 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 4.882.747 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên sau khi chủng virus Delta lây lan mạnh. Trong 24 giờ qua, trừ Brunei, tất cả các nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Diễn biến dịch COVID-19 tại Đông Nam Á ngày 14/7:
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Indonesia |
2,670,046 |
+54,517 |
69,210 |
+991 |
2,157,363 |
Philippines |
1,485,457 |
+3,806 |
26,232 |
+140 |
1,414,817 |
Malaysia |
867,567 |
+11,618 |
6,503 |
+118 |
759,705 |
Thái Lan |
363,029 |
+9,317 |
2,934 |
+87 |
260,584 |
Myanmar |
208,357 |
+7,083 |
4,181 |
+145 |
151,442 |
Campuchia |
63,615 |
+915 |
986 |
+33 |
55,365 |
Singapore |
62,804 |
+60 |
36 |
|
62,467 |
Việt Nam |
35,409 |
+2,934 |
132 |
|
9,553 |
Timor-Leste |
9,960 |
+54 |
25 |
|
9,021 |
Lào |
2,976 |
+75 |
3 |
|
2,174 |
Brunei |
282 |
|
3 |
|
256 |
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 8/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Campuchia ngừng xuất nhập cảnh với một số trường hợp công dân Việt Nam
Tối 13/7, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia ra thông báo gửi các cơ quan Việt Nam về việc do tình trạng biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây lan rộng và yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 của hai nước, Campuchia quyết định tạm thời ngừng xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam là nhân viên và chuyên gia các công ty Việt Nam đang hoạt động tại Campuchia trong vòng một tháng, kể từ ngày 18/7 tới.
Thông báo nêu rõ biện pháp này không áp dụng đối với trường hợp bệnh nhân cần đi điều trị tại Việt Nam, các nhà ngoại giao, công chức nhà nước thực hiện nhiệm vụ theo lời mời của chính quyền hai nước, các học viên và sinh viên đã hoàn thành chương trình học tập hoặc thực hiện nhiệm vụ đặc biệt được chính phủ hai nước cho phép.
Với trường hợp nhân viên và chuyên gia các công ty Việt Nam đã nhập cảnh vào Campuchia, cả với những người đã hoàn thành cách ly và đang trong thời gian cách ly cũng không được phép trở lại Việt Nam trong thời gian tạm ngừng xuất nhập cảnh nói trên.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 8/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng Campuchia, tính đến hết ngày 13/7, có 5.104.846 người gồm công chức, lực lượng vũ trang, người dân Campuchia và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại nước này đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Như vậy, mục tiêu tiêm phòng cho 10 triệu người trưởng thành của nước này đã đạt được 51,05%.
Với thêm 4 triệu liều vaccine dự kiến được giao trong tháng 8/2021, Campuchia sẽ đủ vaccine tiêm cho 10 triệu người. Cùng với đó, Campuchia đã đặt hàng thêm một triệu liều để tiêm cho trẻ em trên 12 tuổi và có thể tiêm mũi thứ ba cho những người có kháng nguyên chống virus SARS-CoV-2 ở mức thấp.
Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận thêm 915 ca mắc COVID-19, trong đó số ca nhập cảnh mắc bệnh tiếp tục tăng đáng lo ngại với 257 ca. Tính đến hôm nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 63.615 ca mắc COVID-19, trong đó 55.615 ca đã khỏi bệnh.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện dã chiến ở Manila, Philippines, ngày 6/4/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Philippines gia hạn lệnh cấm nhập cảnh với 7 nước nhằm ngăn chặn biến thể Delta
Trong một diễn biến khác, Philippines đã quyết định gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đối với người đến từ Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Nepal, Oman và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đến ngày 31/7.
Phát biểu tại họp báo được truyền hình, người phát ngôn của tổng thống, ông Harry Roque cho biết lực lượng đặc nhiệm liên ngành chống dịch đã thông qua quyết định gia hạn đối với 7 quốc gia "nguy cơ cao" nói trên nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta, được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ.
Philippines đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Delta trong mẫu phẩm của 19 công dân vừa về nước. Đến nay, chưa ghi nhận trường hợp lây truyền biến thể này trong cộng đồng. Các biện pháp hạn chế của Philippines đã được gia hạn 5 lần đối với các nước ảnh hưởng của biến thể Delta.
Các tình nguyện viên chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 15/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới tại Malaysia trên 11.000 ca
Ngày 14/7, Malaysia ghi nhận thêm 11.618 ca mắc COVID-19. Đây là ngày thứ hai liên tiếp, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Tính đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 867.567 ca mắc COVID-19. Phó Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob lý giải số ca mắc mới COVID-19 ở nước này gần đây tăng mạnh là do tăng cường năng lực xét nghiệm tại đại đa số khu vực đang thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) thuộc bang Selangor và lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur.
Indonesia ghi nhận nhiều biến thể
Trong khi đó, tại Indonesia, tính đến nay Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 681 ca nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2 nằm trong danh sách "đáng lo ngại" (VoC) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Số ca nhiễm các biến thể gồm Alpha, Beta và Delta, đã được Cơ quan Nghiên cứu và phát triển thuộc Bộ Y tế Indonesia phát hiện, qua giải mã trình tự bộ gene đối với 2.951 mẫu bệnh phẩm. Theo đó, số ca nhiễm biến thể Delta nhiều nhất, với 615 ca, tiếp đó là 54 ca nhiễm Alpha và 12 ca nhiễm Beta.
Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã liên tục gia tăng trong vài tuần qua, được cho là hệ quả của kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr tháng 5 và sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm, đặc biệt là biến thể Delta. Hiện Indonesia đã vượt Ấn Độ trở thành nước có số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất thế giới.
Kiểm tra thân nhiệt của người dân tại một chốt kiểm dịch COVID-19 ở tỉnh Mae Hong Son, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Cũng trong ngày 14/7, Bộ Y tế Lào thông báo trong 24 giờ qua, nước này không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Nhiều ngày qua, thủ đô Viêng Chăn không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng và đến nay không còn khu vực nào trên địa bàn thành phố được xếp vào "nhóm đỏ".
Toàn bộ 75 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua đều là trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Tuy nhiên, Bộ Y tế Lào tiếp tục bày tỏ quan ngại trước sự nguy hiểm và nguy cơ lây nhiễm biến thể Delta vào nước này khi lao động Lào trở về từ Thái Lan - nơi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, cùng với sự xuất hiện của biến thể nguy hiểm ngày càng tăng, nhất là khi có tới trên 15% lao động Lào trở về từ Thái Lan mắc COVID-19.
Trước tình hình trên, Lào khuyến khích công dân từ Thái Lan về nước theo đường chính ngạch. Bên cạnh đó, hoạt động tuần tra biên giới trên sông Mekong đang được tăng cường ở các tỉnh Champasak và Savannakhet để ngăn chặn hoạt động nhập cảnh bất hợp pháp, sau khi hai tỉnh có cửa ngõ chính với Thái Lan này ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng đột biến là người lao động nhập cảnh.
Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.976 ca mắc COVID-19, trong đó có 3 người không qua khỏi.