COVID-19 tại ASEAN hết 13/7: Indonesia, Malaysia dồn dập kỷ lục nhiễm; Thái Lan khăng khăng kết hợp 2 vaccines

Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 13/7, các nước ASEAN ghi nhận thêm 72.600 ca nhiễm và trên 1.100 ca tử vong mới. Indonesia và Malaysia dồn dập các kỷ lục lây nhiễm, trong khi Thái Lan bảo vệ quyết định kết hợp 2 loại vaccines bất chấp cảnh báo từ WHO.

Chú thích ảnh
Các tình nguyện viên chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 15/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 13/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 72.633 ca mắc mới COVID-19 và 1.150 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 5.675.254 trường hợp và 108.615 ca tử vong. Toàn khối có 4.843.509 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 864 ca; Malaysia đứng thứ hai với 125 ca; Philippines ghi nhận 77 ca tử vong, trong khi Thái Lan thêm 56 ca, Campuchia ghi nhận 28 ca.

Với kỷ lục 47.899 ca nhiễm trong ngày 13/7, Indonesia đang dẫn đầu khối về lây nhiễm mới. Nước này tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, với tổng cộng 2.615.519 ca bệnh và 68.219 ca tử vong.

Philippines ghi nhận 3.604 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 1.481.660, bao gồm 26.092 người tử vong. Trong khi đó, Malaysia ghi nhận 11.079 ca nhiễm mới, lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000, nâng tổng ca bệnh lên 855.949, trong đó có 6.385 ca tử vong.

Cùng ngày Thái Lan chứng kiến 8.685 ca nhiễm mới. Campuchia cũng ghi nhận 830 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh đã lên gần 62.700 người, gần bằng Singapore.  Lào và Brunei không có ca nhiễm mới, trong khi Timor Leste có thêm 93 ca.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 8/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan khăng khăng sử dụng kết hợp 2 loại vaccine

Ngày 13/7, Thái Lan đã đưa ra quan điểm bảo vệ việc sử dụng kết hợp 2 loại vaccine ngừa COVID-19 khác nhau nhằm ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm mới, bất chấp cảnh báo của một nhà khoa học hàng đầu thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng đây là "một xu hướng nguy hiểm" chưa được chứng minh. 

Nhà chức trách Thái Lan cho biết sẽ kết hợp 2 loại vaccine của hãng AstraZeneca và hãng Sinovac, trong đó sử dụng vaccine của hãng Sinovac để tiêm mũi một, còn vaccine của hãng AstraZeneca tiêm mũi hai. Theo chuyên gia về virus của Thái Lan Yong Poovorawan, việc kết hợp này nhằm đạt được hiệu quả miễn dịch trong vòng 6 tuần sau tiêm thay vì 12 tuần như thường lệ. Ông nhấn mạnh Thái Lan không thể chờ tới 12 tuần để đạt hiệu quả miễn dịch trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong tăng vọt và gây sức ép lên hệ thống y tế như hiện nay. Ông nói thêm rằng trong tương lai có thể sẽ có giải pháp tốt hơn khi tình hình tốt lên và vaccine được cải tiến.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 9/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Phát biểu của ông Poovorawan đưa ra một ngày sau khi nhà khoa học hàng đầu của WHO, bà Soumya Swaminathan cho rằng việc kết hợp các loại vaccine là "một xu hướng nguy hiểm" vì đến nay hình thức tiêm chủng như vậy chưa được chứng minh.

Thái Lan hiện ghi nhận tổng cộng hơn 353.700 ca nhiễm, trong đó 2.847 ca tử vong vì COVID-19, phần lớn trong số đó là những ca bệnh phát hiện trong làn sóng dịch bệnh mới nhất bùng phát kể từ tháng 4 từ một khu giải trí ban đêm ở Bangkok. Hiện Thái Lan đang áp đặt những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm và lệnh cấm tụ tập trên 5 người ở những điểm nóng dịch bệnh là Bangkok và 9 tỉnh khác. Để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, nội các Thái Lan ngày 13/7 đã thông qua gói phục hồi 30 tỷ bath (920 triệu USD). Người dân cũng sẽ được giảm giá điện và nước sinh hoạt.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt của người dân tại một chốt kiểm dịch COVID-19 ở tỉnh Mae Hong Son, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Indonesia lại kỷ lục ca mắc mới 

Ngày 13/7, Indonesia đã ghi nhận thêm 47.899 ca mắc mới COVID-19 mới, vượt xa mức cao chưa từng có 38.124 ca được thiết lập chỉ một ngày trước đó. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua là 869 ca - cao thứ ba kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu tháng 3 năm ngoái.

Tính đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng 2.615.529 ca mắc, trong đó có 68.219 ca không qua khỏi. Giới chuyên gia cho rằng số ca mắc COVID-19 tại Indonesia liên tục tăng trong vài tuần qua là do hệ quả của kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr hồi tháng 5, cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm, trong đó có biến thể Delta.

Làn sóng lây nhiễm thứ 2 tại nước này đã khiến hàng loạt bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Để đối phó với tình hình cấp bách này, Chính phủ Indonesia đã áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp tại Java và Bali từ ngày 3-20/7 và mở rộng sang 15 khu vực khác bên ngoài 2 hòn đảo đông dân này.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Jakarta, Indonesia, ngày 9/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Indonesia phát động chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 toàn quốc vào ngày 13/1 vừa qua, với mục tiêu cung cấp vaccine cho ít nhất 181,5 triệu người để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay. Tính đến nay, quốc gia này đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 cho 15.190.998 người và 36.914.607 người đã được tiêm mũi 1 vaccine.

Cũng trong ngày 13/7, Indonesia đã tiếp nhận thêm 1,4 triệu liều vaccine thành phẩm do hãng dược Sinopharm của Trung Quốc sản xuất. Đây là lô vaccine ngừa COVID-19 thứ 22 và là lô vaccine thứ ba mà quốc gia này tiếp nhận từ nước ngoài.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Malaysia lần đầu vượt ngưỡng 10.000 ca mắc mới/ngày

Ngày 13/7, Malaysia ghi nhận thêm 11.079 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này và lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 ca/ngày.

Bộ Y tế Malaysia cho biết đến nay nước này có tổng cộng 855.949 ca mắc COVID-19. Bang Selangor tiếp tục là địa phương ghi nhận số ca mắc mới cao nhất cả nước với 5.263 ca, tiếp đó là lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur với 1.521 ca và bang Nigeri Sembilan với 1.033 ca. 

Phó Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob lý giải số ca mắc mới COVID-19 ở nước này gần đây tăng mạnh là do tăng cường năng lực xét nghiệm tại đại đa số khu vực đang thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) thuộc bang Selangor và lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur.

Chú thích ảnh
Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 đi hỏa táng tại Yangon, Myanmar ngày 10/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Campuchia: Ca mắc mới giảm nhẹ

Số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia theo thông báo ngày 13/7 là 830 ca, giảm nhẹ so với mức gần 1.000 ca/ngày kéo dài suốt hai tuần qua. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở Campuchia tiếp tục diễn biến xấu khi số ca nhập cảnh vẫn ở mức cao (217 ca trong 24 giờ qua).

Thông cáo của Bộ Y tế Campuchia cho biết, tính đến ngày 13/7, nước này ghi nhận tổng cộng 62.700 ca mắc COVID-19, vượt xa mức 500 ca trước “sự cố cộng đồng ngày 20/2”. Bộ trên cũng xác nhận có thêm 26 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại đây lên 953 người.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 2/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thông tin ngày 12/7 về việc có thêm một ổ dịch mới ở chợ Kandal (quận Daun Penh, Phnom Penh) cho thấy Phnom Penh vẫn là nơi có rủi ro lây nhiễm COVID-19 ở mức cao, cho dù đa số người dân sinh sống tại đây đã được tiêm phòng COVID-19.

Ngày 13/7, chính quyền Phnom Penh và Bộ Y tế Campuchia tiếp tục cảnh báo có thể thực hiện một đợt phong tỏa nữa nếu người dân, đặc biệt là những người trẻ, không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch.

Bên cạnh thông tin tích cực về hơn 1.000 ca được công bố khỏi bệnh, ngày 13/7 còn là ngày đánh dấu người thứ 5 triệu được tiêm phòng COVID-19 tại Campuchia. Người thứ 5 triệu được tiêm vaccine ngừa COVID-19 là một nông dân 70 tuổi, may mắn nhận phần thưởng 10 triệu riel (khoảng 2.500 USD) từ Thủ tướng Hun Sen.

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Lào đẩy mạnh chương trình tiêm chủng

Lào đã đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 50% dân số trong năm nay. Đến nay, hơn 1 triệu người tại Lào đã được tiêm mũi đầu vaccine ngừa COVID-19, trong khi hơn 600.000 người tiêm đủ 2 mũi.

Liên quan tới tình hình COVID-19 Lào, Bộ Y tế nước này thông báo trong 24 giờ qua, đã có thêm 76 ca mắc mới, gồm 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh Luang Namtha và 74 ca là người nhập cảnh được cách ly ngay.

Bộ Y tế Lào nêu rõ, mặc dù tình hình dịch bệnh trong cộng đồng đã giảm nhẹ nhưng nguy cơ bùng phát dịch tại Lào vẫn còn do số lượng lao động trở về từ vùng dịch ở các nước láng giềng ngày càng tăng cao, đặc biệt là từ Thái Lan.

Nhật báo Vientiane Times số ra ngày 13/7 đưa tin lực lượng chức năng Lào đang tăng cường kiểm soát biên giới trên sông Mekong ở các tỉnh Champasak và Savannakhet để ngăn chặn người xâm nhập trái phép từ Thái Lan. Đây là 2 tỉnh có số ca COVID-19 nhập cảnh tăng mạnh. Thống kê cho thấy, trong 24 giờ qua, tỉnh Champasak ghi nhận 43 ca nhập cảnh, trong khi tỉnh Savannakhet ghi nhận 21 ca.

Chú thích ảnh
 Bên trong bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Mandalay, Myanmar. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Luồng ý kiến trái chiều xoay quanh mũi vaccine COVID-19 thứ ba
Luồng ý kiến trái chiều xoay quanh mũi vaccine COVID-19 thứ ba

Khi virus SARS-CoV-2 vẫn lây lan và biến chủng mới xuất hiện, đã có nhiều nước rục rịch chuẩn bị cho chương trình tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 thứ ba. Câu hỏi được đặt ra là liệu thế giới có cần đến mũi tiêm này?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN