COVID-19 tại ASEAN hết 31/10: Toàn khối thêm 334 ca tử vong; Campuchia tiêm cho trẻ 5 tuổi

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 31/10, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 28.838 ca mắc COVID-19 và 334 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 13.197.898 ca, trong đó 278.740 người tử vong.

Chú thích ảnh
Chôn cất bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại một nghĩa trang ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ngày 31/10, Thái Lan đứng thứ đầu ASEAN về ca mắc với 8.859 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 1.912.024 ca.

Quốc gia ghi nhận ca mắc cao thứ hai là Malaysia với 5.854 ca. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.466.663 ca mắc COVID-19. 

Đứng số 3 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Việt Nam với 5.519 ca. Tổng số ca mắc tại Việt Nam là 921.122 ca.

Tiếp đó là Philippines với 3.410 ca, Singapore với 3.112 ca, Myanmar với 716 ca, Lào với 685 ca, Indonesia với 523 ca mắc, Campuchia với 95 ca và Brunei với 65 ca.

Về số ca tử vong, các quốc gia ASEAN đều ghi nhận ca tử vong mới: Philippines (128 ca), Việt Nam (53 ca), Thái Lan (47 ca), Malaysia (44 ca), Myanmar (20 ca), Indonesia (17 ca), Singapore (14 ca), Campuchia (7 ca) , Lào (3 ca) và Brunei (1 ca). 

Lào lên kế hoạch mở lại các trường học trên cả nước

Chú thích ảnh
Phong tỏa một tuyến đường để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ở thủ đô Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ Lào ngày 31/10 quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch đến ngày 14/11, đồng thời lên kế hoạch để sớm mở cửa lại các trường học trên cả nước.

Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Lào nêu rõ trong bối cảnh dịch bệnh đã và đang lây lan ở 17/18 tỉnh thành trên cả nước, với số ca mắc mới lên tới trên 500 người/ngày trong suốt tháng 10 vừa qua, tăng 27,6% so với tháng 9/2021, việc kéo dài các biện pháp hạn chế là cần thiết để người dân Lào và công dân nước ngoại đang sống ở Lào được bảo vệ tối đa khỏi đại dịch, đồng thời giúp giảm thiểu các trường hợp tử vong. Thông báo nhấn mạnh song song với các biện pháp hạn chế, chính phủ cũng có các biện pháp nới lỏng để tạo điều kiện cho người dân sống trong điều kiện bình thường mới.

Theo quyết định mới, việc tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly và nhập viện vẫn sẽ tiếp tục, trong khi các cửa khẩu và trạm kiểm soát biên giới sẽ vẫn đóng cửa; tiếp tục ngừng cấp thị thực cho khách du lịch và thăm thân, trong khi các nhân viên ngoại giao, nhân viên các tổ chức quốc tế, chuyên gia và nhà đầu tư có nhu cầu nhập cảnh khẩn cấp sẽ được cấp phép nhập cảnh nhưng phải tuân thủ tất cả các biện pháp phòng ngừa COVID-19 của Chính phủ Lào.

Tại các khu vực có các ca lây nhiễm trong cộng đồng, Chính phủ Lào sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống như đóng cửa các địa điểm giải trí, rạp chiếu phim, quán karaoke, quán rượu, quán cà phê internet, phòng chơi bi-da, sòng bạc, quán cà phê internet, vườn ẩm thực, các điểm đón khách du lịch…

Các nhà máy trong khu vực dân cư có lây nhiễm cộng đồng trong nhà máy hoặc trong khu dân cư cũng phải đóng cửa, ngoại trừ những nhà máy được Ủy ban phòng chống COVID-19 cho phép hoạt động, tuy nhiên, phải tuân thủ nghiêm mọi biện pháp phòng chống dịch, bất kỳ nhà máy nào không tuân thủ sẽ tạm thời bị đóng cửa… 

Việc hội họp, tụ tập quá 50 người bị cấm, kể các các lễ hội và sự kiện tôn giáo. Bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào, bao gồm cả các cơ quan chính phủ, muốn tổ chức hội nghị hoặc tụ tập, phải được sự cho phép của Ủy ban Phòng chống COVID-19. Giao thông đường bộ qua thủ đô Viêng Chăn và bất kỳ tỉnh nào có các ca lây nhiễm cộng đồng đều bị cấm từ 23h00 đêm hôm trước đến 5h00 sáng hôm sau, ngoại trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa, xe cấp cứu và xe của Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 hoặc các quan chức chính phủ đảm nhận công việc của họ. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Viêng Chăn, Lào, ngày 7/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Để tạo thuận lợi cho đời sống của người dân, Chính phủ Lào cho phép các cửa hàng bán lẻ, siêu thị và chợ tươi sống tuân thủ các biện pháp phòng chống COVID có thể mở cửa, nhưng phải đóng cửa trước 9 giờ tối. 

Tại các địa phương không có các ca lây nhiễm trong cộng đồng, các cơ sở giáo dục ở mọi cấp học được đều phép mở cửa. 

Các nhà máy ở các địa phương không có lây nhiễm trong cộng đồng có thể tiếp tục hoạt động nhưng nhân viên phải tiêm hai liều vaccine và không được cư trú trong khu vực có sự lây lan trong cộng đồng (vùng đỏ)...

Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Lào cũng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Thể thao chuẩn bị các biện pháp và khuyến nghị để mở cửa trở lại các trường học và cơ sở giáo dục ở mọi cấp học trên cả nước; khẳng định việc mở cửa sẽ chỉ được phép đối với các trường đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết và được sự cho phép của Ủy ban Phòng chống COVID-19 cấp tỉnh có liên quan. 

Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 685 ca nhiễm mới và 3 ca tử vong, trong đó, thủ đô Viêng Chăn tiếp tục là tâm dịch với 287 ca cộng đồng. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 40.271 ca, trong đó có 65 người tử vong.

Campuchia khởi động chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ 5 tuổi

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một em nhỏ tại Phnom Penh, Campuchia ngày 17/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ủy ban Quốc gia Campuchia về tiêm vaccine ngừa COVID-19 thông báo chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 5 tuổi sẽ chính thức được khởi động từ ngày 1/11.

Đây sẽ là chiến dịch tiêm chủng thứ 5 liên tiếp sau khi đợt đầu tiên được bắt đầu từ ngày 10/2 vừa qua cho người trên 18 tuổi; đợt hai từ ngày 1/8 cho thanh thiếu niên tuổi từ 12-17; từ ngày 17/9 với trẻ em từ 6-12 tuổi; trong khi lực lượng tuyến đầu chống dịch được tiêm mũi tăng cường vào đầu tháng 8. Hiện chưa có thông báo về số lượng trẻ em 5 tuổi được tiêm trong đợt này nhưng chiến dịch tiêm chủng thứ 5 cho thấy quyết tâm của Campuchia trong việc đạt mục tiêu tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 cho 91% trong tổng 16 triệu người dân nước này vào cuối năm nay. 

Theo báo cáo của Bộ Y tế Campuchia, lần đầu tiên kể từ tháng 4, số ca nhiễm được ghi nhận trong ngày tại nước này giảm xuống dưới mức 100 ca. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận 95 ca mắc mới và 7 ca tử vong. Đây là ngày thứ 30 liên tiếp số ca mắc mới ở mức thấp trong bối cảnh Campuchia đang thực hiện “trạng thái bình thường mới”. 

Tính đến nay, tổng số ca mắc tại Campuchia là 118.522 ca, trong đó 2.788 trường hợp tử vong. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một em nhỏ tại Phnom Penh, Campuchia ngày 17/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Campuchia tiếp tục ghi nhận những tin tức khả quan về tình hình phục hồi kinh tế-xã hội, hàn gắn đứt gãy trong các chuỗi sản xuất – dịch vụ khi Bộ Du lịch công bố hai hướng dẫn chính có hiệu lực từ ngày 28/10 về kế hoạch tái mở cửa đất nước cho du khách trong và ngoài nước đã tiêm chủng và đảm bảo thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch. Theo đó, Campuchia sẽ tái mở cửa cho du khách quốc tế đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 kể từ ngày 30/11 tới, bắt đầu từ tỉnh Preah Sihanouk, trong đó có đảo du lịch Koh Rong và khu nghỉ dưỡng Dara Sakor thuộc tỉnh Koh Kong.

Một thông báo được Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon ký ngày 26/10 cũng cho biết tỉnh Siem Reap với Di sản văn hóa thế giới Angkor Wat cũng nằm trong lộ trình mở cửa tiếp theo vào tháng 1/2022. Theo Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Campuchia Aun Pornmoniroth, du lịch là ngành dịch vụ chịu cú sốc đại dịch COVID-19 đầu tiên khi số lượng chuyến du lịch nội địa bị tổn thất đáng kể và lượng du khách quốc tế nhập cảnh vào Campuchia gần như tụt xuống con số 0 trong giai đoạn 2020-2021.

Thái Lan mở rộng danh sách các nước và vùng lãnh thổ du khách không phải cách ly 

Chú thích ảnh
Khách du lịch trên bãi biển ở Phuket, Thái Lan, ngày 28/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Ngoại giao Thái Lan đã công bố danh sách sửa đổi, theo đó người dân đến từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiêm chủng đầy đủ có thể nhập cảnh theo chương trình mở cửa không cần cách ly từ ngày 1/11.

Để được miễn cách ly, du khách nước ngoài phải ở tại 63 quốc gia và vùng lãnh thổ theo danh sách sửa đổi trong ít nhất 21 ngày liên tiếp, đến Thái Lan bằng đường hàng không, có chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 trước khi nhập cảnh ít nhất 14 ngày và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 trong 72 giờ trước khi tới Thái Lan.

Ngoài ra, du khách cũng phải có bảo hiểm y tế với hạn mức chi trả ít nhất 50.000 USD, có xác nhận đặt phòng ở Thái Lan, xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR trong vòng 24 giờ sau khi tới Thái Lan và có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi được phép đi lại ở Thái Lan. Như vậy, du khách sẽ phải lưu trú trong các khách sạn được cấp phép 1 đêm để chờ kết quả xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR.

Những du khách đã được tiêm chủng đầy đủ từ các quốc gia và vùng lãnh thổ không nằm trong danh sách có thể đến Bangkok và 16 khu vực khác, nhưng sẽ bị giới hạn ở điểm đến ban đầu trong 7 ngày đầu tiên trước khi được phép đi đến nơi khác.

Chú thích ảnh
Khách du lịch trên bãi biển ở Phuket, Thái Lan, ngày 28/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở cửa đối với du khách nước ngoài, từ ngày 1/11, Thái Lan sẽ áp dụng hệ thống cấp phép nhập cảnh mới có tên gọi là "Thailand Pass"(Thẻ thông hành Thái Lan) để thay thế cho Chứng nhận nhập cảnh (CoE) với mục tiêu giúp giảm thời gian và các thủ tục giấy tờ cần thiết so với hệ thống trước. 

Những người đã được cấp CoE có thể tiếp tục sử dụng giấy phép này để nhập cảnh Thái Lan, trong khi những người nộp đơn qua hệ thống mới "Thailand Pass" sẽ được cấp mã QR để nhập cảnh. 

Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm 8.859 ca nhiễm mới cùng 47 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 1.912.024 ca, trong đó có 19.205 người không qua khỏi. Hầu hết các ca nhiễm mới và các trường hợp tử vong được ghi nhận kể từ khi bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 từ đầu tháng 4.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Quốc đảo Thái Bình Dương ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên sau 2 năm đại dịch
Quốc đảo Thái Bình Dương ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên sau 2 năm đại dịch

Gần 2 năm qua, quốc đảo Tonga ở Nam Thái Bình Dương vẫn không ghi nhận ca mắc COVID-19 nào khi hầu hết các quốc gia trên thế giới phải vật lộn với đại dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN