COVID-19 tại ASEAN hết 30/7: Phillipines có số ca mắc/ngày cao kỷ lục, cả khối trên 7.250 ca tử vong

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 30/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 6.165 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 7.250 người.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 28/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Indonesia tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong tiếp tục xu thế tăng cao, thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn. “Quốc gia vạn đảo” đang dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch.

Philippines dịch bệnh đang quay trở lại trong mấy ngày qua, khi số ca mắc mới tại nước này tăng vọt và vượt qua cả Indonesia về số ca mắc/ngày. Ngày 30/7, nước này ghi nhận tới 3.954 ca mắc mới, cao nhất kể từ đầu dịch tới nay, và 23 người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu máu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 27/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 7.259 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 106 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 261.103. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 188.499 trường hợp.

Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại. Nhiều nước ASEAN tiến tục xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, dịch bệnh nhìn chung vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Trong ngày, Đông Nam Á có tới 8 quốc gia ghi nhận các ca bệnh mới.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 30/7:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 106.336 +1.904 5.058 +83 64.292
Philippines 89.374 +3.954 1.983 +23 65.064
Singapore 51.809 +278 27   46.308
Malaysia 8.964 +8 124   8.617
Thái Lan 3.304 +6 58   3.111
Việt Nam 464 +5     369
Myanmar 353 +2 6   295
Campuchia 234 +8     162
Brunei 141   3   138
Timor-Leste 124       124
Lào 20       19

Ngày 30/7, nhà chức trách Philippines đã xác nhận 3.954 ca nhiễm mới COVID-19. Đây là số ca nhiễm ghi nhận theo ngày lớn nhất tại nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Số ca mắc COVID-19 cao nhất trước đó chỉ là 2.539 trường hợp, được xác nhận vào ngày 8/7.

Trong Thông điệp Quốc gia thường niên gửi tới người dân cả nước mới đây, Tổng thống Duterte khẳng định lệnh phong tỏa của nước này - một trong những lệnh phong tỏa có thời hạn dài nhất (khoảng 3 tháng) và nghiêm ngặt nhất trên thế giới - đã giúp Philippines cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, kiềm chế số ca mắc COVID-19. Ông tuyên bố các trường học sẽ không mở cửa trở lại cho tới khi giới khoa học bào chế được vaccine phòng bệnh COVID-19.

Chính sách phong tỏa nghiêm ngặt đã phát huy hiệu quả, giúp Philippines cơ bản khống chế được số ca lây nhiễm COVID-19, ngăn chặn từ 1,3 triệu - 3,5 triệu ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, Tổng thống Duterte thừa nhận chính phủ đã chậm trễ trong việc triển khai chương trình xét nghiệm virus SARS-CoV-2.  Theo ông, Philippines hiện có 93 phòng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 chính thức trên toàn quốc và chính phủ đặt mục tiêu tiến hành 1,4 triệu xét nghiệm sàng lọc vào cuối tháng 7 này.

Chú thích ảnh
Đo thân nhiệt để phát hiện COVID-19 tại Malaysia. Ảnh: La Prensa Latina

Cùng ngày, Malaysia cũng ghi nhận thêm 8 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 8.964 trường hợp.

Bộ Y tế Malaysia cho biết trong số 8 ca nhiễm mới có 3 ca nhiễm "nhập khẩu" và 5 ca lây nhiễm trong cộng động.

Hiện Malaysia vẫn còn 223 ca nhiễm COVID-19 đang được điều trị tích cực, trong đó có 1 ca cần máy trợ thở. Tổng số ca tử vong tại nước này vẫn là 124 trường hợp.

Chú thích ảnh
 Du khách thăm quan Hoàng Cung ở Bangkok, Thái Lan, ngày 7/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 30/7, Bộ Y tế công cộng Thái Lan cảnh báo việc cho phép người lao động nhập cư vào nước này để khắc phục tình trạng thiếu lao động sau khi nới lỏng phong tỏa có thể dẫn tới một đợt dịch COVID-19 thứ 2.

Ngày 30/7, Thái Lan ghi nhận thêm 6 ca mắc COVID-19, tất cả đều trở về từ nước ngoài và đã được cách ly.

Chính phủ Thái Lan trước đó quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp đến cuối tháng 8 tới để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, mặc dù hơn 2 tháng qua quốc gia này không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng.

Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp được ban bố tại Thái Lan từ cuối tháng 3 và liên tục được gia hạn, lần gần đây nhất dự kiến kết thúc vào cuối tháng 7 này. Chính phủ Thái Lan tiếp tục gia hạn sắc lệnh này sau khi Trung tâm ứng phó dịch COVID-19 quốc gia khẳng định vẫn cần duy trì tình trạng khẩn cấp, trong bối cảnh nước này chuẩn bị mở cửa biên giới đối với người nước ngoài.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 27/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia vẫn là quốc gia bị dịch COVID-19 tấn công nặng nề nhất trong số các quốc gia ASEAN. Trong vòng 24 giờ qua, "quốc gia vạn đảo" ghi nhận 1.904 ca mắc bệnh mới và 83 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên 106.336 trường hợp và 5.058 ca.

Tổng thống Joko Widodo cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này. Phát biểu tại cuộc họp nội các, Tổng thống Widodo nhấn mạnh: "Chúng ta cần nâng cao cảnh giác về nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai và cần lường trước mọi tình huống."

Các khu vực có rủi ro lây nhiễm cao tại Indonesia ngày càng gia tăng, tăng 53 khu vực tuần này so với 35 khu vực trong tuần trước đó. Indonesia gần đây đã nới lỏng các hạn chế, trong đó cho phép các cơ sở kinh doanh nối lại hoạt động đồng thời mở cửa trở lại các địa danh du lịch.

Chú thích ảnh
  Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi đi xe buýt tại Yangon, Myanmar, ngày 10/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, Myanmar quyết định gia hạn cấm bay đối với các chuyến bay vận tải hành khách quốc tế đến ngày 31/8. Nước này cũng gia hạn áp dụng các biện pháp phòng dịch đến ngày 15/8.

Tại Campuchia, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng đã chỉ đạo các tỉnh thành trên cả nước chuẩn bị các biện pháp đề phòng lây lan dịch COVID-19 trước thời điểm nghỉ bù cho lễ đón năm mới Khmer, từ ngày 17-21/8 tới.

Thông báo của Bộ Nội vụ Campuchia nêu rõ tỉnh trưởng các tỉnh và lãnh đạo các thành phố phải thông báo tới các khách sạn, nhà nghỉ, siêu thị và chủ nhà hàng chuẩn bị cồn hoặc dung dịch rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt khách hàng. Chủ các cơ sở cung cấp dịch vụ nói trên phải đảm bảo thực hiện các quy định giãn cách xã hội.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
ASEAN 2020: Đối thoại cấp cao trực tuyến về phục hồi sau đại dịch COVID-19
ASEAN 2020: Đối thoại cấp cao trực tuyến về phục hồi sau đại dịch COVID-19

Sáng 30/7, nhận lời mời của Tổng Thư ký ASEAN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM (Quan chức Cấp cao) ASEAN Việt Nam và Chủ tịch Nhóm công tác liên ngành trực thuộc Hội đồng Điều phối ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE), đã tham gia Đối thoại cấp cao trực tuyến với chủ đề "Phục hồi sau đại dịch: hướng tới một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ hơn".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN