Cuộc Đối thoại do Ban Thư ký ASEAN tổ chức nhằm tranh thủ ý kiến đóng góp cho tiến trình xây dựng kế hoạch tổng thể của ASEAN trong ứng phó và phục hồi sau dịch bệnh theo chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tháng 6 vừa qua.
Cuộc đối thoại được thực hiện trực tuyến và trực tiếp, thu hút sự tham gia, tương tác, bình luận của hàng trăm đại biểu từ các cơ quan thuộc 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN, các tổ chức quốc tế và khu vực.
Tại cuộc Đối thoại, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương (ESCAP), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã đưa ra một bức tranh tổng thể với không nhiều tín hiệu khả quan về kinh tế khu vực và thế giới sau nhiều tháng ứng phó với COVID-19.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự phối hợp hành động giữa các nước, các ngành liên quan trong việc ứng phó dịch bệnh cũng như phục hồi kinh tế. Từ các góc nhìn khác nhau, các diễn giả gợi ý tập trung ưu tiên vào một số lĩnh vực như y tế, bảo trợ xã hội, giáo dục, an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ số và các ứng dụng mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Theo đó, tiến trình phục hồi sau dịch bệnh của ASEAN cần được xem xét một cách tổng thể, tránh không làm ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững chung mà ASEAN và khu vực đã và đang thực hiện thời gian qua.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cuộc Đối thoại trực tuyến có ý nghĩa quan trọng, đóng góp cho việc xây dựng khung kế hoạch phục hồi tổng thể của ASEAN. Trưởng SOM ASEAN Việt Nam chia sẻ quan điểm về cách tiếp cận, đề xuất của các diễn giả, cho rằng tiến trình phục hồi kinh tế nên được thực hiện từng bước, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất, du lịch, giao thông vận tải…, phù hợp với thực tiễn, có tính bao trùm và dành sự quan tâm nhiều hơn cho các nhóm yếu thế trong xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng nhấn mạnh đến các biện pháp phục hồi cần phù hợp với các giai đoạn ngắn hạn - trung hạn - dài hạn, cũng như phải cân bằng được mục tiêu kép "vừa kiểm soát tốt dịch bệnh vừa khôi phục nhanh các hoạt động kinh tế".
Trong vai trò là Chủ tịch nhóm Công tác ACCWG-PHE, Thứ trưởng kêu gọi sự tham gia, đóng góp của khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và các đối tác của ASEAN trong quá trình xây dựng, soạn thảo kế hoạch phục hồi tổng thể của ASEAN, trước mắt là chuẩn bị dự thảo Khung kế hoạch phục hồi.
Kế hoạch phục hồi tổng thể sẽ là một văn kiện mở, được thường xuyên cập nhật, điều chỉnh bởi các cơ quan chuyên ngành của ASEAN để phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, song sẽ luôn hướng tới việc lấy người dân là trung tâm, đảm bảo an ninh, an toàn của người dân, cũng như quan tâm tới các nhóm yếu thế trong xã hội.
Dự kiến, kế hoạch tổng thể ứng phó và phục hồi sau dịch bệnh sẽ được trình lên để các Lãnh đạo ASEAN xem xét, cho ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào tháng 11/2020 tới.