Các quốc gia có số ca mắc mới nhiều nhất ASEAN trong ngày 29/11 là: Indonesia (6.267 ca), Philippines (2.076 ca) và Malaysia (1.309 ca).
Trong ngày 29/11, có ba quốc gia ghi nhận ca tử vong mới vì COVID-19 gồm: Indonesia (169 ca), Philippines (40 ca) và Malaysia (3 ca).
Tình hình tại Campuchia bắt đầu nóng trở lại khi nước này phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng.
Indonesia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay
Bộ Y tế Indonesia ngày 29/11 cho biết đã ghi nhận thêm 6.267 trường hợp mắc bệnh COVID-19 - mức cao nhất từ trước tới nay. Đây là ngày thứ ba trong vòng 1 tuần, số ca nhiễm mới ở quốc gia Đông Nam Á này lên mức cao chưa từng thấy.
Với tổng cộng 534.266 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 16.815 trường hợp không qua khỏi, Indonesia là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Philippines lần đầu vượt mốc 2.000 ca sau 19 ngày
Tình hình dịch bệnh tại Philippines đã xuất hiện lại dấu hiệu đáng lo ngại. Theo Bộ Y tế Phillippines, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này trong 24 giờ qua là 2.076 người. Như vậy, số ca nhiễm mới tại Philippines đã lần đầu tiên vượt mốc 2.000 ca sau 19 ngày liên tiếp.
Theo kế hoạch, ngày 30/11, Tổng thống nước này Rodrigo Duterte sẽ thông báo việc chính phủ sẽ giữ nguyên hay nới lỏng các biên pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan tại thủ đô Manila và các khu vực khác.
Campuchia phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng
Ngày 29/11, Bộ Y tế Campuchia đã xác nhận 7 ca mắc COVID-19, trong đó có 6 người là thành viên gia đình một phụ nữ có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và đã đi mua sắm ở siêu thị Aeon Mall 1 ngày 28/11.
Trường hợp nữ bệnh nhân trên là người Mỹ gốc Campuchia, trở về nước ngày 27/11 sau khi quá cảnh Hàn Quốc trên chuyến bay có 57 hành khách. Tối 28/11, Chính phủ Campuchia quyết định đóng cửa tạm thời siêu thị Aeon Mall 1 ở thủ đô Phnom Penh, Bộ Y tế Campuchia cũng đang triển khai các biện pháp để tìm kiếm những người đã tiếp xúc với trường hợp bệnh nhân tại siêu thị Aeon Mall 1.
Bộ Y tế cũng xác nhận 1 ca mắc COVID-19 trong ngày là vợ của một quan chức cấp cao thuộc Bộ Nội vụ Campuchia. Hãng thông tấn Campuchia (AKP) tối 28/11 dẫn phát biểu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, nói rằng đây là ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên tại Campuchia và bày tỏ quan ngại về tình hình dịch bệnh tại thủ đô Phnom Penh, tỉnh Siem Reap, thậm chí là hai tỉnh Banteay Meanchey và Mondulkiri.
Người đứng đầu Chính phủ Campuchia khẳng định cơ quan chức năng đang truy vết tất cả những người có tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với trường hợp mắc COVID-19 trên, đồng thời kêu gọi người dân không hoảng loạn, nhưng tăng cường đề phòng cá nhân và thực hiện các hướng dẫn vệ sinh phòng dịch.
Trong khi đó, sáng 29/11, trang thông tin Fresh News dẫn lời Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Youk Sambath, xác nhận một trong số 7 trường hợp lây nhiễm trên là Tổng Cục trưởng Tổng cục Trại giam (thuộc Bộ Nội vụ Campuchia) Chhem Savuth, với giả định ban đầu là do ông này tiếp xúc với vợ, người có xét nghiệm dương tính với COVID-19 trong ngày 28/11. Bộ Y tế Campuchia sẽ tiến hành xét nghiệm những người đã có tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với những thành viên của gia đình Tổng cục trưởng Tổng cục Trại giam Campuchia.
Ngày 29/11, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng thông báo trên trang Fresh News về việc Khách sạn Phnom Penh ở thủ đô Campuchia sẽ bị đóng cửa trong hai ngày sau khi phát hiện những bệnh nhân mắc COVID-19 mới đây đã từng sử dụng các cơ sở phòng tập gym và bể bơi tại đây hôm 23/11.
Myanmar kéo dài biện pháp chống dịch
Tại Myanmar, Ủy ban quốc gia về phòng ngừa, kiểm soát và điều trị COVID-19 thông báo gia hạn giai đoạn áp đặt các biện pháp chống dịch COVID-19 đến hết ngày 15/12. Đây được xem là một phần trong nỗ lực ngăn chặn tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh hiện nay.
Theo thông cáo của Bộ Y tế và Thể thao, Myanmar đã ghi nhận 1.344 ca mắc mới COVID-19 và 22 ca tử vong ngày 28/11, nâng tổng số ca mắc lên 87.977, trong đó có 1.887 ca tử vong. Myanmar chưa công bố số liệu ngày 29/11.
Virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện tại Myanmar ngày 23/3 năm nay và cho đến nay đã có hơn 1,13 triệu xét nghiệm được tiến hành.
Sản phụ Singapore sinh con có kháng thể COVID-19
Một phụ nữ Singapore, từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hồi tháng 3 khi mang thai, đã hạ sinh một bé trai có kháng thể với virus. Điều này đang khiến dư luận đặt câu hỏi liệu virus SARS-CoV-2 có thể truyền từ mẹ sang con hay không?
Theo báo Straits Times ngày 29/11, đứa trẻ chào đời trong tháng này, không mắc COVID-19, song có kháng thể với virus SARS-CoV-2. Cô Celine Ng-Chan - mẹ của đứa trẻ trên - cho biết bác sĩ cho rằng có thể cô đã truyền kháng thể COVID-19 cho con lúc mang thai. Cô Celine Ng-Chan mắc COVID-19 thể nhẹ và đã ra viện sau 2 tuần rưỡi điều trị.
Hiện Bệnh viện Đại học Quốc gia (NUH) của Singapore - nơi Celine Ng-Chan sinh con - chưa đưa ra tuyên bố nào về thông tin trên.
Việc virus SARS-CoV-2 có thể truyền từ mẹ sang con hay không vẫn là vấn đề gây tranh cãi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện chưa rõ chính xác liệu một phụ nữ mang thai mắc COVID-19 có thể truyền virus cho thai nhi hoặc trẻ sơ sinh trong quá trình mang bầu hoặc sinh nở hay không.
Cho đến nay, chưa phát hiện virus SARS-CoV-2 có trong các mẫu nước ối trong tử cung hoặc trong sữa mẹ. Nhóm bác sĩ của Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia cũng cho rằng việc truyền virus SARS-CoV-2 từ mẹ sang con là rất hiếm.
Trong khi đó, trên tạp chí Emerging Infectious Diseases, số ra tháng 10 vừa qua, các bác sĩ ở Trung Quốc thông báo đã phát hiện kháng thể COVID-19 ở trẻ sơ sinh có mẹ mắc COVID-19, và mức kháng thể này giảm dần theo thời gian.