COVID-19 tại ASEAN hết 26/9: Singapore siết chặt giãn cách; Malaysia rút ngắn 2 mũi vaccine AstraZeneca

Trong ngày 26/9, các nước ASEAN ghi nhận trên 60.000 ca nhiễm mới và 650 ca tử vong. Ca nhiễm tăng mạnh khiến Singapore siết chặt giãn cách xã hội trở lại, trong khi Malaysia rút ngắn khoảng cách 2 mũi tiêm AstraZeneca.

Chú thích ảnh
20% trong khoảng 109 triệu người Philippines đã được tiêm chủng COVID-9 đầy đủ. Ảnh: Reuters 

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 26/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 61.330 ca mắc mới COVID-19 và 650 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 11.916.773 trường hợp và 258.836 ca tử vong. Toàn khối có 10.848.146 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 6 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Malaysia chiếm nhiều nhất với 228 ca; Việt Nam đứng thứ hai với 184 ca; Thái Lan ghi nhận 125 ca tử vong mới, Indonesia thêm 86 ca, trong khi Campuchia có thêm 25 ca tử vong, Singapore thêm 2 ca.

Với 20.755 ca nhiễm trong ngày 26/9, Philippines đứng đầu khu vực về ca mắc mới.  Tổng ca bệnh ở nước này đã lên tới 2.490.858 ca, bao gồm 37.405 ca tử vong.

Malaysia đứng thứ hai với 13.104 ca nhiễm, nâng tổng ca bệnh lên 2.198.235 trường hợp, bao gồm 25.159 ca tử vong. Thái Lan cùng ngày ghi nhận 12.353 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh hiện là 1.561.638 ca. Singapore cùng ngày ghi nhận 1.939 ca nhiễm, nâng tổng ca mắc lên 87.892 trường hợp.

Indonesia ghi nhận 1760 ca nhiễm trong ngày, mặc dù nước này vẫn dẫn đầu khu vực về ca bệnh với 4.208.013 trường hợp và 141.467 ca tử vong.

Việt Nam cùng ngày ghi nhận 10.011 ca nhiễm mới, nâng tổng cộng ca bệnh lên 756.689, bao gồm 18.584 ca tử vong. 

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân tử vong do COVID-19 tới nhà xác bệnh viện ở tỉnh Pathum Thani, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Ca nhiễm tăng mạnh, Singapore siết chặt trở lại giãn cách xã hội

Trong bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 tăng cao trở lại, giới chức Singapore đã quyết định quay trở lại giai đoạn “Cảnh báo tăng cường”, theo đó thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội trong vòng 1 tháng nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm gia tăng làm quá tải hệ thống y tế.

Theo đó, kể từ hôm nay 27/9, Singapore áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách trong giai đoạn “Cảnh báo tăng cường”. Các biện pháp này kéo dài đến 24/10.

Kể từ khi Singapore bắt đầu "mở cửa nền kinh tế" theo 4 giai đoạn, trong đó Giai đoạn 1 là “giai đoạn chuẩn bị” bắt đầu từ ngày 10/8 (tới nay chưa chuyển sang Giai đoạn 2), số ca lây nhiễm đã tăng từ mức bình quân 100 ca/ngày lên hơn 1.000 ca/ngày trong tuần qua. Ngày 23/9, Singapore ghi nhận 1.504 ca nhiễm mới, trong đó có 1.218 ca trong cộng đồng, 273 ca trong các khu nhà ở của công nhân và 13 ca nhập cảnh. Tình trạng quá tải trong ngành y tế đã diễn ra và nhiều người mắc COVID-19 không thể tiếp cận dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc đầy đủ.

Chú thích ảnh
Trước ngày 27/9, Singapore cho phép nhóm 5 thực khách ăn uống tại nhà hàng. Ảnh: Straits Times

Với giai đoạn “Cảnh báo tăng cường”, Singapore sẽ giới hạn tụ tập theo nhóm 2 người tại các địa điểm ăn uống (trước là 5 người), làm việc tại nhà sẽ là “mặc định” đối với tất cả các vị trí có thể làm việc từ xa; học sinh tiểu học (dưới 12 tuổi, chưa tiêm vaccine) sẽ chuyển sang học trực tuyến trong 2 tuần tới. Tuy nhiên, các sự kiện tập trung vẫn duy trì số lượng trước đây, nhưng sắp xếp ngồi theo nhóm 2 người.

Ngoài thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội, Singapore cũng sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm mũi bổ sung (thứ 3) cho người trong độ tuổi từ 50-59 tuổi từ ngày 4/10 tới.

Malaysia rút ngắn thời gian giữa 2 mũi tiêm vaccine của AstraZeneca

Bộ Y tế Malaysia đã quyết định rút ngắn thời gian giữa 2 mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca từ 9 tuần xuống còn 6 tuần. Đây là lần thứ hai Bộ Y tế nước này quyết định rút ngắn thời gian giữa 2 mũi tiêm đối với loại vaccine này. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/10.

Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho biết điều này sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những người tiêm loại vaccine của AstraZeneca hoàn thành liệu trình tiêm chủng. Malaysia bắt đầu triển khai tiêm vaccine của AstraZeneca từ tháng 5 với thời gian giữa 2 mũi tiêm ban đầu là 12 tuần. Theo khuyến nghị của Anh, với khoảng thời gian giữa hai mũi tiêm như vậy, vaccine sẽ có hiệu lực là 82,4%. Tuy nhiên, đến tháng 7, Bộ Y tế Malaysia đã quyết định giảm xuống còn 9 tuần do các ca mới tăng mạnh theo cấp số nhân tại nước này.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Selongor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Giáo sư dịch tễ học, Tiến sĩ Awang Bulgiba Awang Mahmud của Đại học Malaya cho biết vaccine của Pfizer-BioNTech và của AstraZeneca đã cho thấy có tác dụng chống lại biến thể Delta sau 2 mũi tiêm, tiêm một mũi không mang lại hiệu quả bảo vệ tối ưu. Do đó, việc giảm khoảng cách giữa 2 lần tiêm xuống còn 6 tuần nhằm cân bằng giữa việc cố gắng đạt được mức kháng thể tối đa và đảm bảo rằng có sự bảo vệ tối ưu chống lại biến thể Delta. Hiện Malaysia đã tiêm được đủ hai mũi cho 82,5% người trưởng thành, do vậy việc giảm khoảng cách giữa hai mũi tiêm để những người tiêm vaccine của AstraZeneca hoàn thành tiêm chủng là rất quan trọng.

Trong khi đó, nhằm nhanh chóng xét nghiệm và cách ly các ca mắc COVID-19, Bộ Y tế Malaysia quyết định thành lập Lực lượng Đặc nhiệm phản ứng nhanh quốc gia. Trong một phát biểu ngày 26/9, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết lực lượng này sẽ áp dụng kinh nghiệm đạt được trong việc giảm số ca nhiễm ở Thung lũng Klang (gồm lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur, bang Selangor và một phần bang Nigeri Sembilan) vào việc phòng chống COVID-19 trên phạm vi toàn quốc. Lực lượng sẽ tập trung vào việc nhanh chóng xét nghiệm và cách ly những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Selongor, Malaysia ngày 12/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, cảnh sát Malaysia đã phát cảnh báo về tình trạng làm giả chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Theo một nhân viên y tế ở trung tâm thủ đô Kuala Lumpur, có một số người tới các điểm tiêm chủng nhưng không muốn tiêm mà chỉ muốn “sở hữu” giấy chứng nhận. Nhân viên này cho biết: “Chúng tôi có gặp những người phản đối việc tiêm vaccine, họ không muốn tiêm mà chỉ muốn giấy chứng nhận”.

Indonesia: Thiếu nhân viên y tế, sai sót hậu cần cản trở nỗ lực tiêm chủng

Trang Bloomberg cho biết, tình trạng thiếu nhân viên y tế và những sai sót về hậu cần đang cản trở nỗ lực của Indonesia trong việc tiêm chủng COVID-19 cho người dân, dù đây là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á bắt đầu chương trình này.

Theo Bloomberg Vaccine Tracker, chỉ 17,9% trong số 270 triệu người Indonesia được tiêm chủng đầy đủ, đứng sau hầu hết các nền kinh tế lớn trong khu vực. Khoảng 32% người dân đã được tiêm ít nhất 1 mũi, khiến quốc gia này nằm trong số bốn nước cuối cùng trong danh sách.

Nhà dịch tễ học Dicky Budiman của Đại học Griffith (Anh), Dicky Budiman, người đang hỗ trợ chính phủ cải thiện tỷ lệ tiêm chủng, cho biết: "Ngay cả ở Đông Java, nơi có đủ nguồn dự trữ, cũng không có đủ quầy tiêm chủng và không có đủ nhân viên để tiêm".

Chú thích ảnh
Mới có 17,9% tổng dân số 270 triệu người của Indonesia được tiêm chủng đầy đủ. Ảnh: AFP

Tiến độ tiêm chủng chậm gây rủi ro cho những nỗ lực của Indonesia trong việc kiểm soát đại dịch và duy trì sự phục hồi mong manh của nền kinh tế trị giá 1,1 nghìn tỷ USD. Một đợt bùng phát mới do biến thể Delta dễ lây lan hơn gây ra đã buộc chính phủ phải áp dụng lại các biện pháp hạn chế di chuyển nghiêm ngặt nhất vào đầu quý 3, với các hạn chế giúp giảm số ca tử vong hàng tuần xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 4.

Lào: Các địa phương tăng cường các biện pháp phòng dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều tỉnh của nước này đã bổ sung thêm các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 chặt chẽ hơn sau khi ghi nhận cụm lây nhiễm trong cộng đồng.

Tỉnh Viêng Chăn vừa có thông báo đóng cửa công sở cho đến ngày 8/10; cấm người dân rời khỏi nhà hoặc nơi cư trú trong trường hợp không cần thiết, ngoại trừ trường hợp được cấp phép; đồng thời yêu cầu lực lượng chức năng bổ sung thêm các chốt kiểm soát đi lại, tạm thời ngừng hoạt động ra vào tỉnh. Trường hợp cấp thiết cần ra vào tỉnh cần được cấp phép đầy đủ và người đến từ vùng dịch phải cách ly tập trung 14 ngày.

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Luang Prabang cũng siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 ở các khu vực có nguy cơ cao. Hiện nhiều khu vực lây nhiễm dịch ở Luang Prabang đang bị phong tỏa. Nhà chức trách cũng đang khẩn trương truy vết người nhiễm bệnh cũng như trường hợp tiếp xúc gần để đưa đi điều trị và cách ly.

Chú thích ảnh
Phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một tuyến đường ở Viêng Chăn, Lào, ngày 21/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tỉnh Huaphan cũng gia hạn các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho đến ngày 14/10, bao gồm lệnh cấm người ra vào tỉnh mà không được phép; trong khi xe vận tải hàng hóa phải tiến hành bốc dỡ ở ranh giới tỉnh.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Lào, Bộ Y tế nước này ngày 26/9 cho biết trong 24 giờ qua đã ghi nhận 292 ca mới, trong đó có tới 280 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Số ca cộng đồng tiếp tục ghi nhận tại 11 tỉnh, thành; trong đó thủ đô Viêng Chăn vẫn nhiều nhất trong một ngày với 135 ca. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 21.819 ca, trong đó có 16 người tử vong.

Thu Hằng/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 25/9: Philippines 2 ngày liền không có ca tử vong; Lào thêm nhiều ca mắc cộng đồng
COVID-19 tại ASEAN hết 25/9: Philippines 2 ngày liền không có ca tử vong; Lào thêm nhiều ca mắc cộng đồng

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 25/9, có 8 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 56.057 ca mắc COVID-19 và 707 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 11.848.127 ca, trong đó 258.130 người tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN