COVID-19 tại ASEAN hết 25/9: Philippines 2 ngày liền không có ca tử vong; Lào thêm nhiều ca mắc cộng đồng

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 25/9, có 8 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 56.057 ca mắc COVID-19 và 707 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 11.848.127 ca, trong đó 258.130 người tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 25/9, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất tiếp tục là Philippines với 16.907 ca. Tổng số ca mắc tại quốc gia này đã là 2.470.235 ca. Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan với Philippines là quốc gia này không có ca tử vong nào trong hai ngày liên tiếp.

Đứng số 2 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Malaysia 13.899 ca. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.185.131 ca mắc COVID-19. 

Thái Lan đứng thứ 3 ASEAN về ca mắc trong ngày 25/9 với 11.795 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 1.549.285 ca.

Tiếp đó là Việt Nam với 9.706 ca, Indonesia với 2.137 ca mắc, Lào với 816 ca, Campuchia với 326 ca và Timor-Leste với 42 ca.

Về số ca tử vong, có 7 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Malaysia (250 ca), Việt Nam (180 ca), Thái Lan (127 ca), Indonesia (123 ca), Campuchia (21 ca), Brunei (4 ca) và Timo-Lester (2 ca).

Campuchia lo ngại “thảm họa” COVID-19 nếu không ngừng Lễ Pchum Ben 

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo Khmer Times dẫn lời Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen ngày 25/9 cảnh báo nếu không dừng Lễ Pchum Ben, “một thảm họa” sẽ xảy ra với y tế công và đe dọa tính mạng của người dân.

Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh giữ gìn sinh mệnh là quan trọng nhất và vẫn còn thời gian để tổ chức Lễ Pchum Ben về sau. Ông mong người Campuchia hiểu được quyết định của người đứng đầu đất nước về việc phải ngừng lễ truyền thống này, trong bối cảnh tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia đã tăng lên trên 100.000 ca và số người tử vong vì đại dịch vượt ngưỡng 2.000 người.

Ngày 25/9, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 trên mức 800 ca và nguyên nhân có liên quan đến ổ dịch từ các ngôi chùa.

Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận 816 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 114 ca nhập cảnh và có thêm 21 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Hiện Campuchia có tổng cộng 108.257 ca mắc COVID-19, trong đó 100.182 người đã khỏi bệnh và 2.218 người tử vong.

Trong một diễn biến liên quan, tiếp tục kế hoạch mở cửa trường học theo từng giai đoạn, ngày 24/9, Thủ tướng Hun Sen đã cho phép Bộ Giáo dục, thanh niên và thể thao nước này mở cửa trở lại các trường đại học công và tư. Trước đó, ngày 15/9, các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên cả nước đáp ứng đủ điều kiện phòng chống dịch COVID-19 đã mở cửa trở lại, đón học sinh lớp 9 và lớp 12 quay lại lớp sau thời gian phải học trực tuyến kéo dài kể từ khi làn sóng COVID-19 thứ ba bùng phát tại Campuchia sau “sự cố cộng đồng ngày 20/2/2021”.

Lào ghi nhận thêm nhiều ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng 

Chú thích ảnh
Một tuyến phố bị phong tỏa phòng dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 21/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 25/9, Bộ Y tế Lào thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 447 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 428 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Theo bộ trên, nước này đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng khi ghi nhận ổ dịch nghiêm trọng tại các nhà máy may tại thủ đô Viêng Chăn. Đáng chú ý là hầu hết các ca mắc mới đều nhiễm biến thể Delta Plus, một phiên bản của biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh hơn và làm giảm tác dụng của phương pháp điều trị bằng kháng thể.

Trong 24 giờ qua, thủ đô Viêng Chăn vẫn ghi nhận số ca cộng đồng cao nhất cả nước với 207 ca. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh như Khammuon, Champasak, tỉnh Viêng Chăn… khi có số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng cao. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 21.527 ca, trong đó có 16 người tử vong.

Trước tình hình trên, chính quyền thủ đô Viêng Chăn yêu cầu các quận phối hợp với các thành phần có liên quan chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng chống lây nhiễm, kiểm soát và điều trị người bệnh, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm tầm soát và đưa người tiếp xúc gần đi cách ly kịp thời.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế Lào tiếp tục vận động người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh và giảm tỷ lệ biến chứng nặng dẫn đến tử vong.

Thái Lan đẩy mạnh tiêm chủng cho người dân

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 23/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan đã khởi động chiến dịch tiêm chủng quốc gia mới, với mục tiêu mỗi ngày tiêm 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, bao gồm mũi tiêm thứ nhất, thứ hai hoặc mũi nhắc lại. 

Trước khi bắt đầu chiến dịch này hôm 24/9, Thái Lan mỗi ngày tiêm được từ 600.000-800.000 liều vaccine ngừa COVID-19. Cục Kiểm soát Dịch bệnh nói rằng có tổng cộng 1,16 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người dân trong ngày 24/9.

Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul cho biết với 15 triệu liều vaccine dự kiến sẽ được chuyển giao vào cuối tháng này và 20 triệu liều tiếp theo vào tháng tới, Chính phủ đang cố gắng tối đa hóa số lượng mũi tiêm mỗi ngày lên 1 triệu mũi nhằm tăng khả năng ứng phó với các loại biến thể mới của viurs SARS CoV 2. 

Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đang tập trung tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi trở lên để chuẩn bị cho việc mở cửa trường học trở lại trong học kỳ tới. 

Thái Lan sáng 25/9 ghi nhận thêm 11.975 ca nhiễm mới COVID-19 cùng 127 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 1.549.285 ca, trong đó có 1.408.821 người đã hoàn toàn bình phục và 16.143 người không qua khỏi.

Tính đến ngày 24/9, Thái Lan đã tiêm được hơn 46,67 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó số lượng người được tiêm mũi thứ hai chiếm khoảng 25,19% dân số.

Phuket đã trở thành tỉnh đầu tiên của Thái Lan áp dụng kỹ thuật tiêm dưới da đối với vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng. Các quan chức tỉnh này đã bắt đầu chương trình tiêm nhắc lại bằng cách sử dụng kỹ thuật tiêm dưới da, được cho cần lượng vaccine ít hơn 4-5 lần so với kỹ thuật tiêm bắp tiêu chuẩn để đạt được hiệu quả bảo vệ chống lại COVID-19.

Philippines ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ USD do COVID-19

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 15/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đại dịch COVID-19 có thể gây thiệt hại lên tới 730 tỷ USD cho nền kinh tế Philippines trong từ 10 đến 40 năm tới. Trên đây là con số mà Cơ quan Kinh tế và phát triển quốc gia (NEDA) của Philippines công bố ngày 25/9 khi dự báo về những tổn thất kinh tế mà đại dịch gây ra cho nước này.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch kinh tế xã hội Karl Kendrick Chua, trong năm 2020, thiệt hại kinh tế của nước này là 84,84 tỷ USD. Dự báo chi tiêu tiêu dùng và nguồn vốn đầu tư có thể sẽ thấp hơn trong 10 năm tới do nhu cầu giảm trong các lĩnh vực đòi hỏi phải tuân thủ biện pháp giãn cách xã hội như du lịch, nhà hàng và giao thông công cộng. Do đó, doanh thu từ thuế sẽ thấp hơn nếu các doanh nghiệp không thể hoạt động với 100% công suất.

Người đứng đầu cơ quan chính phủ Philippines chịu trách nhiệm về quy hoạch phát triển kinh tế cho biết thiệt hại của lĩnh vực đầu tư tư nhân và lợi nhuận có thể là khoảng 420,27 tỷ USD. Bộ trưởng Kendrick Chua bày tỏ hy vọng nền kinh tế sẽ hoàn toàn trở lại mức tăng trưởng như thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2029 (năm thứ 10 kể từ khi dịch bệnh xuất hiện). Thời điểm mà giới chức Philippines dự báo nền kinh tế bắt đầu ghi nhận tăng trưởng sau đại dịch là vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.

Một phát hiện quan trọng khác của nghiên cứu NEDA là năng suất của người lao động cũng sẽ thấp hơn do nhiều lao động đã tử vong, bệnh tật và học sinh không được tới trường học trực tiếp. Theo Bộ trưởng Kendrick Chua, tác động của đại dịch COVID-19 đến năng suất lao động có thể sẽ kéo dài 40 năm tới hoặc ảnh hưởng đến số năm trung bình mà một người lao động dự kiến sẽ làm việc trong cả cuộc đời của họ. Dẫn nghiên cứu của NEDA, ông cho biết trong 40 năm tới, thiệt hại về năng suất trong đầu tư nguồn vốn con người và lợi nhuận ước tính khoảng 305,83 tỷ  USD.

Từ tháng 3/2020, Philippines đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở các mức độ khác nhau. Mặc dù thời gian phong tỏa nghiêm ngặt và kéo dài hơn, quốc gia Đông Nam Á này vẫn đang phải vật lộn với số bệnh nhân COVID-19 đang gia tăng mỗi ngày. Hiện nay Philippines đã ghi nhận tổng cộng 2.470.235 bệnh nhân, trong đó 37.405 trường hợp tử vong.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Lào ghi nhận thêm hàng trăm ca mắc COVID-19 trong cộng đồng
Lào ghi nhận thêm hàng trăm ca mắc COVID-19 trong cộng đồng

Ngày 25/9, Bộ Y tế Lào thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 447 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 428 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN