COVID-19 tại ASEAN hết 23/9: Toàn khối thêm 1.214 ca tử vong; Thủ đô Campuchia ngừng hoạt động đông người

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 23/9, có 8 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 59.400 ca mắc COVID-19 và 1.214 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 11.717.418 ca, trong đó 256.651 người tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines, ngày 29/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 23/9, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất tiếp tục là Philippines với 17.411 ca. Tổng số ca mắc tại quốc gia này đã là 2.434.753 ca. 

Đứng số 2 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Malaysia 14.990 ca. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.141.924 ca mắc COVID-19. 

Thái Lan đứng thứ 3 ASEAN về ca mắc trong ngày 23/9 với 13.256 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 1.524.613 ca.

Tiếp đó là Việt Nam với 9.472 ca, Indonesia với 2.881 ca, Lào với 694 ca, Campuchia với 638 ca và Timor-Leste với 58 ca.

Về số ca tử vong, có 7 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Malaysia (487 ca), Việt Nam (236 ca), Philippines (177 ca), Indonesia (160 ca), Thái Lan (131 ca), Campuchia (22 ca) và Timo-Lester (1 ca).

Lào tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm

Chú thích ảnh
Phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19 tại một tuyến đường ở Viêng Chăn, Lào, ngày 21/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Lào tiếp tục đẩy mạnh công tác xét nghiệm trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng cao.

Bộ Y tế Lào ngày 23/9 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 694 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 666 ca lây nhiễm trong cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đây là số ca mắc mới cao nhất trong 1 ngày được ghi nhận tại Lào kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Theo Bộ Y tế Lào, tình hình dịch COVID-19 trong cộng đồng tại nước này đang ở mức đáng lo ngại và có thể tiếp tục phức tạp hơn trong những ngày tới. Riêng thủ đô Viêng Chăn đã ghi nhận thêm các ổ dịch mới tại 2 nhà máy may mặc trên địa bàn khiến số ca cộng đồng tăng đột biến với 563 ca trong 24 giờ qua, trong đó có tới 90% bệnh nhân là công nhân các nhà máy may mặc. Ngoài ra, tỉnh Champasak và Khammuan vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 20.646 ca, trong đó có 16 người tử vong.

Trước tình hình các ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng cao trong những ngày qua, đặc biệt là tại thủ đô Viêng Chăn, nhà chức trách đã tăng các điểm xét nghiệm cố định virus SARS-CoV-2, đồng thời thành lập nhiều đội xét nghiệm lưu động để phát hiện, cách ly và điều trị kịp thời cho người mắc bệnh; trưng dụng thêm một số cơ sở giáo dục làm điểm cách ly tập trung. 

Bên cạnh đó, lo ngại nguy cơ lây nhiễm tại trung tâm xét nghiệm do không đảm bảo giãn cách, Bộ Y tế Lào đang xem xét lại quy định lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2; đồng thời yêu cầu nhân viên y tế tại các trung tâm và người dân cần tuân thủ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đã được khuyến cáo. Ngoài ra, giới chức thủ đô Viêng Chăn tiếp tục thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm hạn chế nguy cơ lây lan, không để dịch bùng phát trên diện rộng.

Thủ đô của Campuchia tạm ngừng toàn bộ hoạt động tụ tập, lễ hội tôn giáo đông người

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 20/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Chiều 23/9, Sở Lễ nghi và tôn giáo Đô thành Phnom Penh đã quyết định tạm thời ngừng toàn bộ các cuộc tụ tập lễ hội tôn giáo đông người tại thủ đô Campuchia cho đến khi có thông báo mới. 

Trước đó cùng ngày, trong thông điệp gửi cả nước, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã bày tỏ lo ngại khi những ca nhiễm mới COVID-19 đã xuất hiện tại một loạt các ngôi chùa ở thủ đô Phnom Penh trong mùa lễ Pchum Ben bắt đầu từ ngày 22/9. Người đứng đầu Chính phủ Campuchia cũng kêu gọi các cơ quan chức năng xem xét ngừng các hoạt động tập trung đông người liên quan tới lễ Pchum Ben trong bối cảnh có nhiều rủi ro đe dọa sức khỏe của người dân. 

Thủ tướng Hun Sen cảnh báo rằng sau lễ hội Pchum Ben, có thể một thảm họa sẽ xảy ra với người dân Campuchia vì đại dịch COVID-19. Ông cho rằng sau dịp lễ này, số người mắc bệnh và tử vong có thể tăng cao. 

Hiện không chỉ ở các thành phố lớn tại Campuchia, nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở các vùng nông thôn của nước này đã xuất hiện khi những người dân ở thành phố bắt đầu về quê đi lễ và thăm người thân trong dịp Pchum Ben.

Trước tình hình này, tại hội nghị trực tuyến của lãnh đạo Bộ Du lịch với giới chức các Sở Du lịch của Campuchia ngày 22/9, một một số tỉnh ở nước này đã đề nghị các du khách chưa có thẻ xác nhận đã tiêm phòng COVID-19 phải thực hiện xét nghiệm nhanh để có thể được ăn uống và lưu trú khi vào tỉnh. Trong khi đó, những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 được giảm giá 5-10% khi sử dụng dịch vụ tại địa phương.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon cho biết hầu hết lao động trong ngành du lịch tại nước này đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Bộ và các sở khuyến khích tất cả nhân viên các hãng du lịch và các khu du lịch tiêm vaccine phòng bệnh để ủng hộ kế hoạch khuyến khích du lịch trong nước cũng như chuẩn bị chương trình mở cửa đón du khách quốc tế trở lại trong tương lai.

Bộ trưởng Thong Khon cũng kêu gọi các Sở Du lịch tại 25 tỉnh, thành trên cả nước tăng cường phối hợp để thực hiện các quy định chung về phòng chống dịch bệnh tại các chùa, chợ, siêu thị… trong mùa Lễ Pchum Ben sẽ diễn ra từ đầu tháng tới.

Về diễn biến của dịch COVID-19 tại Campuchia, ngày 23/9, Bộ Y tế nước này xác nhận trong 24 giờ qua ghi nhận 22 ca tử vong và 638 ca mắc mới COVID-19, bao gồm 113 ca nhập cảnh và 525 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính đến hôm nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 106.619 ca mắc COVID-19, trong đó 99.134 người đã khỏi bệnh và 2.176 người tử vong.

Thái Lan để ngỏ khả năng trì hoãn kế hoạch mở cửa cho du khách nước ngoài 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 15/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Kế hoạch mở cửa trở lại 5 tỉnh của Thái Lan trong tháng tới có thể sẽ phải trì hoãn cho tới tháng 11 do tỷ lệ tiêm chủng ở các địa phương này vẫn chưa đạt mức 70%.

Theo kế hoạch ban đầu, từ ngày 1/10, các tỉnh Chiang Mai (gồm các huyện Muang, Mae Rim, Mae Taeng và Doi Tao), Chonburi (gồm Pattaya, Bang Lamung và Sattahip), Phetchaburi (Cha-am) và Prachuap Khiri Khan (Hua Hin) sẽ mở cửa cho du khách nước ngoài mà không cần cách ly nếu đã được tiêm chủng đủ liều. Thủ đô Bangkok sẽ mở cửa tiếp theo vào ngày 15/10, nhưng Thống đốc Bangkok, Aswin Kwanmuang cho biết địa phương này sẽ chỉ mở cửa khi 70% cư dân được tiêm chủng đầy đủ cùng với việc số ca mắc mới giảm nhiều hơn.

Trao đổi với báo giới sau cuộc họp với các quan chức của Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) ngày 22/9, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) Yuthasak Supasorn cho biết cơ quan này không quá lo lắng dù việc mở cửa thí điểm các khu vực ở 5 tỉnh, gồm cả thủ đô Bangkok, có thể phải trì hoãn đến ngày 1/11. Người đứng đầu TAT Yuthasak cho biết rất nhiều địa điểm trong kế hoạch mở cửa nói trên vẫn đang chờ được phân phối vaccine, trong bối cảnh các nhà chức trách đặt ra ngưỡng tiêm chủng cho 70% cư dân địa phương trước khi có thể mở cửa an toàn trở lại cho du khách nước ngoài.

Thái Lan sáng 23/9 ghi nhận thêm 13.256 ca mắc mới COVID-19 cùng 131 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm ở nước này từ đầu dịch lên 1.524.613 ca, trong đó có 15.884 người không qua khỏi. Thủ đô Bangkok vẫn là địa phương đứng đầu cả nước, với 2.456 ca nhiễm mới và 21 trường hợp tử vong được ghi nhận sáng 23/9.

Các bệnh viện tại Singapore tạm ngừng cho phép người đến thăm bệnh nhân

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Singapore (MOH) cho biết tất cả các bệnh viện công, bệnh viện tư nhân và bệnh viện cộng đồng trên toàn Singapore sẽ không cho phép người đến thăm bệnh nhân trong vòng 4 tuần, bắt đầu từ ngày 24/9 cho đến hết ngày 23/10. 

MOH nhấn mạnh ngày càng có thêm nhiều ca lây nhiễm COVID-19 được phát hiện trong số các nhân viên y tế, các bệnh nhân cũng như những người đến thăm. Điều này đã dẫn đến việc phải đóng cửa thêm nhiều khoa phòng tại các bệnh viện cũng như số lượng nhân viên bị cách ly ngày càng nhiều, gây sức ép lớn về giường bệnh cũng như nhân viên y tế vào thời điểm Singapore đang cần thêm nhiều giường bệnh để chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nhập viện. 

Theo MOH, một số nhóm bệnh nhân được có người đến thăm nhưng tùy từng trường hợp cụ thể và phải được bệnh viện cho phép. Những nhóm bệnh nhân này gồm những bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, bệnh nhân là trẻ em, sản phụ và những bệnh nhân cần thêm sự hỗ trợ chăm sóc. Những bệnh nhân nội trú bị thiểu năng trí tuệ chỉ được có một người thăm được chỉ định trước và chỉ thăm mỗi ngày một lần. Những bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch có thể được tối đa 5 người thăm đã được chỉ định trước, với tối đa 2 người thăm bệnh nhân cùng một lúc.

Tất cả những người được phép đến thăm bệnh nhân sẽ phải có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh ART hoặc xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 24 giờ đối với mỗi lần đến bệnh viện, ngoại trừ những người đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc có thông báo không phải tiến hành xét nghiệm trước khi đến. Những người đến thăm sẽ luôn phải đeo khẩu trang có độ lọc không khí tốt, không được ăn uống tại các khu bệnh nhân nội trú, không được sử dụng nhà vệ sinh của bệnh nhân và không ngồi trên giường bệnh nhân. 

Ngoài ra, cũng bắt đầu từ ngày 24/9, các bệnh nhân có nguy cơ cao hơn (dù họ đã tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ hay chưa) sẽ đều phải bắt buộc xét nghiệm ART tại các khoa cấp cứu của bệnh viện. Nhóm này bao gồm những bệnh nhân ở các khoa cấp cứu để theo dõi kéo dài tại bộ phận lưu trú ngắn ngày hoặc tại bộ phận chẩn đoán và điều trị mở rộng, hoặc trong khu vực và các khoa theo dõi trong bệnh viện tư nhân. Quy định mới này cũng áp dụng với những bệnh nhân buộc phải bỏ khẩu trang trong quá trình tiến hành chẩn đoán, đánh giá bệnh và/hoặc các thủ tục thăm khám điều trị kéo dài từ 15 phút trở lên. Những người đi cùng với những bệnh nhân này - những người được phép ở lại với bệnh nhân trong suốt thời gian theo dõi nhiều hơn 30 phút - cũng sẽ phải xét nghiệm ART.

Malaysia đổi chiến lược về miễn dịch cộng đồng

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại Shah Alam, bang Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Malaysia (MOH) sẽ không sử dụng công thức thông thường để tính toán tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng, mà theo đó tỷ lệ này là ít nhất 80% dân số trưởng thành được tiêm vaccine.

Phát biểu ngày 23/9 tại phiên họp quốc hội, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho biết các chuyên gia y tế trên thế giới hiện đã không còn sử dụng công thức này và thay bằng chiến lược tiêm vaccine cho càng nhiều người càng tốt. Nguyên nhân là do biến thể siêu lây nhiễm Delta xuất hiện đã ảnh hưởng đến mục tiêu miễn dịch cộng đồng trước thời điểm tiêm được cho 80% dân số trưởng thành. 

Bộ trưởng Jamaluddin nhấn mạnh, khi bắt đầu chương trình tiêm chủng, Malaysia đã sử dụng công thức thông thường để đánh giá khả năng miễn dịch cộng đồng -  khoảng 80% dân số trưởng thành hoàn thành tiêm chủng. Tuy nhiên, đó là trước khi biến thể Delta lan rộng. Biến thể này về cơ bản đã ảnh hưởng đến cách tính toán tỷ lệ dân số được tiêm để đạt miễn dịch cộng đồng và rất khó để nói khi nào sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng. Đó là lý do tại giới chức y tế  Malaysia không nên xem xét khả năng miễn dịch cộng đồng nữa. Thay vào đó, tăng tốc độ tiêm chủng vaccine nhanh nhất có thể.

Tính đến ngày 22/9, thông qua Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 khởi động từ ngày 24/2, đã có 81% dân số Malaysia trưởng thành hoàn thành tiêm chủng, sớm hơn dự kiến mà nước này đặt ra. Ngày 23/9, số ca nhiễm mới COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục giảm trong một tuần qua, xuống còn 13.754 ca/ngày. Điều đáng mừng là có tới 98,2% số các ca nhiễm mới là không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, số còn lại là các ca phải thở máy.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Thái Lan và Philippines ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới COVID-19
Thái Lan và Philippines ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới COVID-19

Ngày 23/9, Trung tâm Quản lý tình hình dịch COVID-19 của Thái Lan (CCSA) cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 13.256 ca mắc mới COVID-19 và 131 ca tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN