Lý do khiến số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ tăng mạnh

Số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ đã tăng lên mức trung bình 1.900 ca/ngày, lần đầu tiên kể từ tháng 3. Các chuyên gia cho rằng virus đang nhắm tới nhóm 71 triệu người Mỹ còn lại chưa tiêm phòng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Tarzana, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca bệnh tăng trở lại đã khiến các bệnh viện tại Mỹ dần trở lại trạng thái chật cứng bệnh nhân, những tuần đầu tiên của năm học mới cũng trở nên khó khăn hơn trong khi nhiều doanh nghiệp phải tạm hoãn kế hoạch đưa nhân viên trở lại văn phòng làm việc và các nhân viên chăm sóc y tế lại rơi vào cảnh áp lực.

Tiến sĩ Dena Hubbard, bác sĩ nhi khoa tại thành phố Kansas, chia sẻ tình hình hiện tại rất nghiêm trọng. Ông là người trực tiếp chăm sóc những trẻ sơ sinh sau các ca mổ bắt con để cứu người mẹ bệnh nặng, có những người vẫn qua đời sau đó. Với các nhân viên y tế, các ca tử vong ngày một tăng, kết hợp với tình trạng thông tin sai lệch và chủ quan về dịch bệnh, đã gây ra những cảnh tượng “đau lòng-thắt ruột”.

Chỉ trong một tuần, khu bệnh viện CoxHealth ở Springfeild-Brason đã chứng kiến 21 ca tử vong vì COVID-19, tương đương mức ghi nhận trên toàn thành phố Chicago. Bang Tây Virginia ghi nhận tổng số ca tử vong vì COVID-19 trong 3 tuần đầu tháng 9 là 340 ca, cao hơn cả 3 tháng trước đó cộng lại. Bang Georgia cũng ghi nhận trung bình 125 ca tử vong/ngày, hơn hẳn California và các bang đông dân khác.

Các chuyên gia y tế cho biết phần lớn các ca nhập viện và tử vong là những người chưa được tiêm phòng trong khi chỉ có một số người đã tiêm mà vẫn mắc bệnh (ca vượt rào) và hầu như chỉ có triệu chứng nhẹ. Tiến sĩ Bruce Vanderhoff, chỉ đạo chuyên môn tại Cơ quan y tế bang Ohio, cảnh báo những người chưa tiêm về nguy cơ nhập viện và tử vong là hiện hữu đồng thời kêu gọi nhóm này thay vì ngồi đó tính toán % nguy cơ thì hãy thực hiện một việc đơn giản, an toàn và hiệu quả là đi tiêm phòng.

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ William Moss, từ Đại học Johns Hopkins, nhiều cộng đồng cư dân có tỷ lệ tiêm phòng thấp lại là những nơi có tỷ lệ người mắc tiểu đường và béo phì cao. Những yếu tố này kết hợp với sự xuất hiện của biến thể Delta dễ lây lan của virus SARS-CoV-2 đã khiến tỷ lệ tử vong tăng nhanh. Tiến sĩ Moss cho rằng đây thực sự là một thất bại về mặt xã hội, khiến các bệnh viện quá tải, các phòng chăm sóc đặc biệt ICU không còn giường và khiến số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ lên đến mức như hiện tại.

Số ca mắc mới tại Mỹ bắt đầu giảm từ đầu tháng 9 và hiện ở mức khoảng 139.000 ca/ngày nhưng số ca tử vong sẽ phải mất vài tuần sau mới bắt đầu giảm. Theo James Hoyer, chỉ huy đơn vị phòng chống dịch COVID-19 bang Tây Virginia, số ca mắc mới ở bang này đang giảm dần nhưng số ca tử vong và nhập viện dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong khoảng 6 tuần tới. Tại Oklahama, một số bệnh viện phải dựng thêm các nhà xác tạm thời khi số ca tử vong tăng 3-4 lần so với thông thường trong khi các nhân viên y tế bị kiệt sức và ám ảnh khi chứng kiến số ca tử vong tăng nhanh.

Hiện chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang yêu cầu đẩy mạnh xét nghiệm nhanh tại nhà để giúp sớm kiểm soát làn sóng dịch bệnh mới. Tuy nhiên, chiến lược này có thể gặp khó khăn vì thực tế số lượng bộ xét nghiệm nhanh có sẵn hiện không nhiều. Các nhà sản xuất thông báo họ không thể tăng sản lượng ngay lập tức sau khi vừa điều chỉnh giảm quy mô sản xuất do nhu cầu giảm mạnh vào mùa Hè vừa qua. Thực trạng này lại một lần nữa chỉ ra Mỹ vẫn chưa quản lý tốt nguồn dự trù thiết bị xét nghiệm COVID-19, nên không đảm bảo nguồn vật tư khi cần thiết, không thể triển khai xét nghiệm nhanh toàn diện để ngăn chặn các ổ dịch ở trường học, nơi làm việc và trong cộng đồng.

Các chuyên gia nhận định những dấu hiệu tích cực ghi nhận trong mùa Xuân vừa qua đã dẫn đến tâm lý coi nhẹ khâu xét nghiệm khi số ca mắc mới giảm mạnh, tỷ lệ tiêm phòng tăng và người được tiêm phòng cũng được tư vấn có thể không cần xét nghiệm. Tuy nhiên, khi số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại, giới chức y tế đã thay đổi quan điểm và tư vấn người dân nên xét nghiệm nhanh cả khi đã tiêm phòng. Chuyên gia nghiên cứu ngành vật tư y tế của đại học bang Arzona Mara Aspinall cho rằng tâm lý lạc quan và có phần chủ quan xuất hiện từ khoảng tháng 6 khi mọi chỉ số dịch bệnh đều rất khả quan đã khiến nhiều người Mỹ tin rằng dịch bệnh đã qua đi. Ví dụ, hạt Mesa ở Colorado đã dừng hẳn hoạt động xét nghiệm nhanh cho cộng đồng và hiện nay toàn bộ hạt này đều thiếu dụng cụ xét nghiệm nhanh.

Trong bài phát biểu công bố các biện pháp phòng dịch mới nhất, Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh vai trò của xét nghiệm nhanh đồng thời cho biết chính phủ sẽ mua 280 triệu bộ xét nghiệm, kêu gọi các trường học xây dựng các chương trình xét nghiệm thường xuyên. Ông Biden cũng cho biết chính phủ liên bang sẽ sử dụng đạo luật sản xuất quốc phòng để đảm bảo các nhà sản xuất có đủ nguyên liệu thô cần thiết để san xuất các bộ xét nghiệm nhanh.

Lê Ánh (TTXVN)
COVID-19 tới 6h sáng 19/9: Thêm trên 360.000 ca nhiễm mới; Mỹ hơn 10.000 ca tử vong/tuần
COVID-19 tới 6h sáng 19/9: Thêm trên 360.000 ca nhiễm mới; Mỹ hơn 10.000 ca tử vong/tuần

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 360.000 ca mắc COVID-19 và 5.441 ca tử vong. Làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta đã cướp đi 10.000 sinh mạng ở Mỹ trong một tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN