Trong số 8.527 ca mắc mới ngày 18/10, Indonesia chiếm tới 4.105 ca. Con số này cho thấy các trường hợp mắc COVID-19 tăng mạnh trong 24 giờ qua tại Indonesia. Với số ca mới này, tổng số ca mắc ở Indonesia đã là 361.867 ca. Số ca tử vong hiện là 12.511 ca - tăng 80 ca, trong khi số ca bình phục tính đến nay là 285.324 ca.
Theo tờ Jakarta Post, 8 cảnh sát thuộc đơn vị đặc biệt được triển khai để xử lý biểu tình đã xét nghiệm dương tính với COVID-19. Cảnh sát trưởng Bekasi, ông Hendra Gunawan, cho biết 8 cảnh sát có triệu chứng như mất khứu giác và sốt nhẹ.
Trong số đó, 5 cảnh sát đã được lấy mẫu xét nghiệm ngày 11/10 sau khi xử lý đám đông biểu tình từ ngày 5 đến 8/10. Ba cảnh sát đã lấy mẫu ngày 6/10 và xét nghiệm dương tính.
Hiện nay, công tác truy vết tiếp xúc đang được thực hiện để tìm ra xem có phải những cảnh sát này lây COVID-19 từ khu vực biểu tình hay không.
Tại Philippines, tổng số ca mắc COVID-19 cũng tăng lên 356.618 ca sau khi Bộ Y tế nước này xác nhận thêm 2.379 ca mắc mới. Số ca bình phục cũng tăng mạnh lên 310.158 ca sau khi có thêm 14.941 bệnh nhân được chữa khỏi. Trong khi đó, Philippines cũng có thêm 50 ca không qua khỏi, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên 6.652 ca.
Bộ Y tế Philippines cho biết đến nay trên 4,1 triệu người trong tổng số khoảng 110 triệu dân của nước này đã thực hiện xét nghiệm COVID-19.
Thành phố Quezon là nơi chiếm nhiều ca mắc mới nhất vào ngày 18/10 với 172 ca, tiếp đó là Rizal với 147 ca, Bulacan với 136 ca.
Trong khi đó, Cục Nhập cảnh Philippines ngày 18/10 cho biết nước này vẫn cấm người nước ngoài nhập cảnh. Cục trưởng Jaime Morente cho biết chỉ người Philippines, vợ/chồng và con nhỏ có thị thực du lịch mới được phép vào nước này.
Chính phủ Philippines đã thông báo nới lỏng các hạn chế đi lại ở địa phương và ra nước ngoài. Philippines đã cho phép người dân xuất cảnh kể cả với những chuyến đi không thiết yếu. Đi lại trong nước vì bất cứ mục đích gì cũng được phép tại những khu vực đang áp dụng lệnh cách ly cộng đồng sửa đổi. Ngoài ra, chính phủ cũng đã cho phép tất cả người dân ở độ tuổi 15-65 được tự do ra khỏi nhà.
Myanmar có số ca mắc cao thứ ba ASEAN trong ngày 18/10 với 1.150 ca, nâng tổng số ca lên 36.025 ca. Nước này cũng có 42 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 880 ca.
Còn tại Malaysia, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang nóng lên. Ngày 18/10 là ngày thứ 2 liên tiếp nước này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao nhất kể từ đầu dịch, với 871 ca, đưa tổng số ca mắc lên 20.498 ca.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Noor Hisham Abdullah- một quan chức cấp cao Bộ trưởng Y tế Malaysia, cho biết trong số các ca mắc mới có 5 ca "nhập khẩu", còn lại là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, nước này cũng có thêm 7 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca tử vong lên 187.
Hơn 1/3 dân số Malaysia đã được đặt dưới các lệnh hạn chế đi lại trong 2 tuần trong bối cảnh các ca lây nhiễm đang tăng mạnh tại nước này sau đợt bùng phát tại một cuộc bầu cử bang ở Sabah. Các chuyên gia đã cảnh báo hệ thống y tế tại Sabah đang đứng trước nguy cơ quá tải trong vài tuần tới khi số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng mạnh.
Thái Lan cũng xác nhận thêm 3 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, tất cả đều là người thân của 2 bệnh nhân Myanmar sống ở Thái Lan được phát hiện trong tuần vừa qua. Theo Trung tâm Xử lý tình hình dịch bệnh COVID-19 (CCSA) của Thái Lan, tính đến ngày 18/10, nước này có tổng cộng 3.686 ca mắc COVID-19 và số ca tử vong giữ nguyên ở 59 ca.
Tước đó, Thái Lan đã đóng toàn bộ biên giới giữa tỉnh phía bắc Tak và Myanmar sau khi 5 người ở thị trấn vùng biên Thái Lan Mae Sot xét nghiệm dương tính với COVID-19. Năm người này đều không có triệu chứng, là các ca lây lan trong cộng đồng đầu tiên ở Thái Lan từ đầu tháng 9. Tất cả đều là thành viên một gia đình Myanmar sống ở Thái Lan.
Phản ứng với các ca này, các trường học ở Mae Sot đều bị đóng cửa 7 ngày và các nhà hàng, quầy thức ăn chỉ được bán đồ mang về nhà. Cửa hàng, trung tâm thương mại, chợ bán đồ tươi sống vẫn mở cửa nhưng phải kiểm tra thân nhiệt và áp dụng giãn cách xã hội.
Giới chức Thái Lan trong hai tháng qua đã thắt chặt biên giới ở miền bắc với Myanmar.
Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) của Thái Lan vừa đề xuất CCSA giảm thời gian cách ly đối với công dân về nước, từ 14 ngày xuống còn 10 ngày.
Dự kiến, trong cuộc họp vào tuần tới, DDC sẽ chính thức đệ trình đề xuất này lên tiểu ban của CCSA phụ trách giám sát công tác cách ly, kiểm dịch COVID-19. Sau đó, tiểu ban này sẽ chuyển đề xuất đến ban lãnh đạo của CCSA để ra quyết định vào cuối tháng 10. Giám đốc DDC Opas Karnkawinpong cho biết nếu CCSA đồng ý với đề xuất trên, quy định về thời gian cách ly mới dự kiến được áp dụng trong tháng tới.