COVID-19 tại ASEAN hết 15/9: Toàn khối số ca mắc giảm nhẹ; Thái Lan sẵn sàng cho trạng thái bình thường mới

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 15/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 46.204 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 245.000 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Philippines và Việt Nam. Đông Nam Á hiện là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh. Có thể nói Indonesia đã qua đỉnh dịch này.

Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức cao và ca mắc mới cao thứ ba khu vực và tăng mạnh trở lại.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động.
 5
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố ố liệu dịch bệnh. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Thái Lan là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 15/9 ghi nhận thêm trên 13.000 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 128 người, giảm nhẹ so với mức của mấy ngày trước đó.

Chú thích ảnh
Vũ công đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại đền Erawan, Bangkok, Thái Lan, ngày 11/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Campuchia có xu thể tăng trở lại so với mấy ngày trước đây, với 653 bệnh nhân mới và 9 ca tử vong trong một ngày qua. Song Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 245.308 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 958 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng vượt ngưỡng 11 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 10 triệu trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 6/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tangerang, Indonesia, ngày 13/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới

Cục Dịch vụ Y tế (DMS) nhận thấy khoảng 10-20% bệnh nhân COVID-19 ở Thái Lan gặp phải hội chứng “Long COVID” sau khi hồi phục.

Tình trạng này cũng liên quan đến tuổi tác và béo phì. Một số thuật ngữ đã được sử dụng để mô tả các triệu chứng COVID-19 kéo dài sau khi hồi phục  và “Long COVID” là một trong số đó. Tiến sĩ Piamlap Sangsayan, Giám đốc Viện Ngực Trung ương Thái Lan thuộc DMS, cho biết tỷ lệ mắc các triệu chứng COVID kéo dài có thể tăng lên theo tuổi tác, tình trạng béo phì và việc sử dụng steroid hằng ngày.

Các triệu chứng “Long COVID”  - bao gồm mệt mỏi, đau cơ, đau đầu và trầm cảm - có thể xảy ra do phản ứng của cơ thể hoặc tác dụng phụ của thuốc được sử dụng cho bệnh nhân trong quá trình điều trị. Một số triệu chứng kéo dài sau thời gian điều trị.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Trích dẫn số liệu thống kê của DMS, Tiến sĩ Piamlap cho biết khoảng 10-20% bệnh nhân ở Thái Lan đã trải qua các triệu chứng Long COVID sau khi hồi phục, trong khi tình trạng này ảnh hưởng đến khoảng 40-50% bệnh nhân sau điều trị ở các quốc gia khác.

Bà Piamlap nói thêm rằng tỷ lệ thấp hơn ở người Thái Lan có thể là do có khả năng những người trải qua các triệu chứng không cung cấp thông tin cho cơ quan y tế sau khi bình phục hoàn toàn.

Từ đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên và thứ hai, dữ liệu cũng cho thấy 5-10% bệnh nhân được phát hiện bị đau cân cơ (fascia pain) mà phải mất khoảng 6 tháng đến một năm để khỏi. Các phương pháp điều trị được điều chỉnh tùy theo các triệu chứng. Sau khi hồi phục, bệnh nhân sẽ tham gia một chương trình phục hồi chức năng.

Thái Lan sáng 15/9 ghi nhận thêm 13.798 ca mắc COVID-19 cùng 144 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm ở nước này từ đầu mùa dịch lên 1.420.340 ca, trong đó có 14.775 người không qua khỏi. Hầu hết các ca nhiễm mới và tử vong ở Thái Lan được ghi nhận kể từ khi bùng phát làn sóng COVID-19 thứ ba hồi đầu tháng 4 đến nay. Đến nay, tổng số bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh hoàn toàn ở Thái Lan là 1.277.029 người.

Quốc gia Đông Nam Á này cũng đang chuẩn bị cho giai đoạn hai mở cửa lại đất nước và mở cửa trường học trong thời gian tới. Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Phiphat Ratchakitprakarn đã xác nhận rằng thủ đô Bangkok cùng các tỉnh Chon Buri, Phetchaburi, Prachuap Khiri Khan và Chiang Mai sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch mở cửa trở lại cho du lịch từ ngày 1/10. Sau đó, 21 tỉnh khác sẽ mở cửa vào ngày 15/10. Ông Phiphat thừa nhận số lượng các ca nhiễm mới COVID-19 cao là trở ngại chính nhưng Bộ Du lịch và Thể thao đã chuẩn bị đầy đủ cho việc mở cửa trở lại.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên hướng dẫn kiểm tra y tế tại trường Trung học Toul Tumpoung, Phnom Penh. Ảnh: Vũ Hùng - PV TTXVN tại Campuchia

Campuchia sẽ tiêm vaccine cho trẻ từ 6-12 tuổi 

Ngày 15/9 Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết trẻ em từ 6-12 tuổi sẽ được tiêm phòng COVID-19.

Theo kế hoạch, chiến dịch quốc gia về tiêm phòng cho trẻ từ 6-12 tuổi sẽ bắt đầu từ ngày 17/9 và Thủ tướng Hun Sen sẽ chủ trì lễ phát động chiến dịch này tại Cung Hòa Bình. Ông Hun Sen nhấn mạnh rằng nếu không tiêm phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 6-12, Campuchia không thể mở cửa trở lại các trường tiểu học trên cả nước. Campuchia ước tính có gần 1,9 triệu trẻ từ 6-12 tuổi. Trong giai đoạn tiếp theo, Campuchia sẽ tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 3-6 tuổi.

Hiện Campuchia đang tiến hành 3 chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, gồm chiến dịch tiêm phòng cho người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên), tiêm phòng cho thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi và tiêm mũi tăng cường thứ ba.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bandung, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia cảnh giác trước làn sóng lây nhiễm thứ 3

Chính phủ Indonesia cho biết chính quyền nước này đang cảnh giác nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch COVID-19, sau khi vừa trải qua làn sóng thứ 2 đầy thảm khốc.

Người phát ngôn lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia, ông Wiku Adisasmito, cho biết nguyên nhân khiến nước này cần cảnh giác là do một số quốc gia đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3. Ông nêu rõ Indonesia phải cảnh giác và duy trì kỷ luật trong việc thực hiện các giao thức y tế để không phải đối mặt với đợt bùng phát dịch thứ 3 trong vài tháng tới.

Trong những ngày qua, số ca mắc mới ở Indonesia đã giảm xuống dưới mức 10.000 ca/ngày. Riêng ngày 14/9, quốc gia đông dân thứ tư thế giới này chỉ ghi nhận 4.128 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 3/2020 lên 4.174.216 ca, trong đó có 139.415 ca tử vong.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 14/9: Malaysia vượt 2 triệu ca bệnh, quyết mở cửa lại nền kinh tế
COVID-19 tại ASEAN hết 14/9: Malaysia vượt 2 triệu ca bệnh, quyết mở cửa lại nền kinh tế

Trong ngày 14/9, các nước ASEAN ghi nhận trên 64.000 ca nhiễm mới và 1.400 ca tử vong. Malaysia vượt mốc 2 triệu ca bệnh nhưng đã bắt đầu nới lỏng hạn chế để mở cửa lại nền kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN