COVID-19 tại ASEAN hết 12/9: Malaysia ca tử vong mới vọt cao kỷ lục, Indonesia tiếp đà giảm mạnh

Trong ngày 12/9, các nước ASEAN ghi nhận trên 71.000 ca nhiễm mới và 1.408 ca tử vong. Malaysia ghi nhận ngày nhiều ca tử vong nhất kể từ đầu dịch, trong khi Indonesia tiếp đà "giảm nhiệt".

Chú thích ảnh
Philippines đã ghi nhận kỷ lục ca nhiễm mới trong ngày 11/9, với 26.303 ca. Ảnh: Reuters 

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 12/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 71.424 ca mắc mới COVID-19 và 1.408 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 10.991.512 trường hợp và 242.763 ca tử vong. Toàn khối có 9.799.873 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 8 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Malaysia chiếm nhiều nhất với 592 ca; Việt Nam đứng thứ hai với 261 ca; Indonesia ghi nhận 188 ca tử vong mới; Thái Lan thêm 180 ca tử vong; Philippines thêm 168 ca và Campuchia ghi nhận thêm 12 ca; Timor Leste thêm 5 và Brunei thêm 2 ca.

Với 21.441 ca nhiễm trong ngày 12/9, Philippines đứng đầu khu vực về ca mắc mới.  Tổng ca bệnh ở nước này đã lên tới 2.227.367 ca, bao gồm 35.145 ca tử vong.

Malaysia đứng thứ hai với 19.550 ca nhiễm, nâng tổng ca bệnh lên 1.960.500 trường hợp, bao gồm 20.419 ca tử vong. Thái Lan cùng ngày ghi nhận 14.029 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh hiện là 1382173 ca.

Indonesia chứng kiến số lượng ca nhiễm mới tiếp tục xu hướng giảm, với 3.779 ca trong ngày, mặc dù nước này vẫn dẫn đầu khu vực về ca bệnh với 4.167.511 trường hợp và 138.889 ca tử vong.

Việt Nam cùng ngày ghi nhận 11.478 ca nhiễm mới, nâng tổng cộng ca bệnh lên 613.375, bao gồm 15.279 ca tử vong. 

Chú thích ảnh
 Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Yangon, Myanmar ngày 1/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia: Ca tử vong mới cao kỷ lục; từng bước mở lại trường học 

Ngày 12/9, Malaysia thông báo ghi nhận thêm 592 ca tử vong - mức cao nhất trong một ngày từ trước đến nay, đưa tổng số người không qua khỏi tại quốc gia Đông Nam Á này lên 20.419. Cũng trong 24 giờ qua, Malaysia có thêm 19.550 ca mắc COVID-19, trong đó có 7 ca nhập cảnh và 19.53 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này là 1.960.500 ca. 

Trong một diễn biến khác, từ ngày 3/10 tới, Bộ Giáo dục Malaysia sẽ thực hiện hệ thống đến trường luân phiên theo tuần đối với học sinh tiểu học và trung học để các em có thể trở lại trường học.

Cụ thể,  chỉ có 50% tổng số học sinh có thể đến trường. Theo kế hoạch của Bộ, mỗi lớp học sẽ được chia thành hai nhóm - một nhóm đến trường và một nhóm học trực tuyến (PdPR). Những học sinh học tại nhà sẽ được thông báo về các chủ đề cần học và các tài liệu hỗ trợ có sẵn trên YouTube và trên kênh truyền hình DidikTV. Sau một tuần, những học sinh theo học trực tiếp tại trường sẽ học trực tuyến và việc luân chuyển tiếp tục cho đến khi kết thúc kỳ học. 

Chú thích ảnh
Học sinh đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một trường học ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, các trường học sẽ được mở cửa trở lại dựa trên tiêu chí đánh giá của Kế hoạch Phục hồi Quốc gia (NRP) gồm 4 giai đoạn, điều này đồng nghĩa với việc những trường học tại các bang đang nằm trong giai đoạn 1 sẽ tiếp tục đóng cửa. Tại những bang ở giai đoạn 2, các trường học có nhu cầu cũng có thể mở cửa trở lại nhưng cũng chỉ được phép hoạt động 50% công suất. Còn những bang ở giai đoạn 3 và 4 sẽ mở cửa trở lại vào ngày 3/10 tới.

Phát biểu trước báo giới ngày 12/9, Bộ trưởng cao cấp kiêm Bộ trưởng Giáo dục, Tiến sĩ Radzi Jidin cho biết, quyết định này không hề dễ dàng trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 vẫn còn cao. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh trên thực tế Malaysia đã chuyển sang thực thi Kế hoạch phục hồi quốc gia (PPN) – "kế hoạch đưa cuộc sống trở lại bình thường bằng cách chấp nhận điều bình thường mới và tuân thủ các quy định giãn cách xã hội”.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một trường học ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Kế hoạch phục hồi quốc gia của Malaysia gồm 4 giai đoạn. Đến thời điểm hiện tại chỉ còn lại 2 bang là Kedah và Johor là đang ở giai đoạn 1 do số ca nhiễm mới COVID-19 hàng ngày vẫn cao và tỷ lệ hoàn thành tiêm chủng chưa đạt 70% số người trưởng thành. Trong khi đã có 10 bang và vùng lãnh thổ liên bang được chuyển sang giai đoạn 2, có 3 bang đang ở giai đoạn 3 và 1 vùng lãnh thổ liên bang ở giai đoạn 4 – số ca nhiễm mới COVID-19 ở mức thấp, trên 80% người trưởng thành đã hoàn thành tiêm chủng và đạt được miễn dịch cộng đồng. 

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Subang, bang Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Philippines lại dẫn đầu khu vực về ca nhiễm mới

Philippines lại đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm gia tăng trở lại, liên tiếp dẫn đầu khu vực về ca nhiễm mới trong ngày. Sau khi lập kỷ lục ca mắc mới kể từ khi dịch bùng phát, với 26.303 ca trong ngày 11/9, ngày 12/9, Philippines lại ghi nhận số ca nhiễm mới đứng đầu các nước ASEAN, với 21.441 ca.

Trước đó, ngày 10/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký sắc lệnh kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 1 năm do đại dịch COVID-19.

Sắc lệnh của Tổng thống Duterte cũng lưu ý tất cả các cơ quan chính phủ và địa phương phải tiếp tục hỗ trợ và hợp tác đầy đủ, cũng như huy động các nguồn lực cần thiết để thực hiện các biện pháp khẩn cấp và mang tính quyết định nhằm loại bỏ mọi nguy cơ của đại dịch COVID-19. Tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép nhà chức trách trung ương và địa phương tiêm chủng cho người dân, kiểm soát giá cả các hàng hóa và thực phẩm thiết yếu cũng như nhiều biện pháp khác.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Philippines lần đầu ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 3/2020 và đã gia hạn nhiều lần. Tính đến ngày 12/9, Philippines đã ghi nhận 2.227.367 ca mắc COVID-19, trong đó có 35.145 ca tử vong.

Indonesia giảm mạnh cả ca nhiễm và tử vong

Tình hình dịch bệnh tại Indonesia có thêm tín hiệu lạc quan khi ca nhiễm và tử vong hàng ngày tiếp tục đà giảm. Ngày 12/9 nước này chỉ ghi nhận 3.779 ca nhiễm mới, thấp hơn nhiều điểm nóng khác trong khu vực, và 188 ca tử vong.

Mặc dù vậy, tờ Jakarta Post cảnh báo, trong khi Indonesia đã dần khống chế được dịch và tạo ra cơ hội để mở cửa trở lại nền kinh tế thì chính phủ vẫn cần thận trọng để không tái phạm sai lầm và chuẩn bị cho làn sóng dịch COVID-19 thứ ba.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây phân loại biến thể B1621 của virus SARS-CoV-2, còn được gọi là biến thể Mu, là một biến thể đáng quan tâm (VOI), bên cạnh các VOI hiện có như Eta, Iota, Kappa và Lambda. Biến thể Mu được phát hiện lần đầu ở Colombia trong tháng 1 và đã lây lan đến 40 quốc gia.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia, ngày 14/6/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Bộ Y tế Indonesia thông báo dựa trên giải trình tự cả bộ gien ngày 6/9, chưa có bằng chứng cho thấy biến thể Mu được phát hiện tại nước này. Tuy nhiên, Jakarta Post cho rằng với dân số lên tới 270 triệu người, Indonesia vẫn có hạn chế trong xét nghiệm bộ gien. Tờ báo đề xuất chính phủ nước này không nên lơ là và biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại, chờ đợi để tấn công khi Indonesia dễ tổn thương nhất.

Lào siết chặt các biện pháp phòng dịch

Trước nguy cơ bùng phát đợt dịch mới, một số tỉnh của Lào đã siết chặt các biện pháp phòng ngừa COVID-19 sau khi ghi nhận nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Chính quyền tỉnh Savannakhet vừa yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt nhiều biện pháp phòng chống lây nhiễm dịch COVID-19 như cấm người dân ra vào vùng đỏ, đặc biệt là ở thành phố Kaysone Phomvihan - nơi đang có nhiều bản ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Thành phố cũng đặt lệnh giới nghiêm từ 20h đến 5h sáng hôm sau, ngoại trừ những trường hợp có lý do đặc biệt.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang di chuyển trên đường phố tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Luang Prabang cũng đã có cuộc họp khẩn để xem xét các biện pháp phản ứng với tình hình lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng. Theo đó, Ủy ban chuyên trách phòng chống COVID-19 tỉnh yêu cầu cơ quan y tế cải thiện việc quản lý các trung tâm cách ly, lập kế hoạch mở bệnh viện dã chiến để tiếp nhận thêm người bệnh; đồng thời xem xét việc áp dụng thêm biện pháp phòng chống lây nhiễm chặt chẽ hơn, trong đó có khả năng phong tỏa toàn tỉnh, không cho phép ra/vào tỉnh nếu không thực sự cấp thiết. 

Tỉnh Salavan ở miền Nam Lào cũng thiết lập các chốt kiểm soát giao thông nhằm tăng cường kiểm tra việc tuân thủ quy định về đi lại và phòng dịch của người dân sau khi ghi nhận nhiều ca COVID-19 trong cộng đồng.

Liên quan đến tình hình dịch COVID-19 ở Lào, ngày 12/9, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 217 ca mắc mới COVID-19, trong đó ngoài 121 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 17.357 ca, trong đó có 16 người tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Ngành vận tải biển làm ăn 'phát tài' nhất kể từ năm 2008
Ngành vận tải biển làm ăn 'phát tài' nhất kể từ năm 2008

Ngành vận tải biển toàn cầu đang trải qua những ngày làm ăn tưng bừng nhất kể từ năm 2008.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN