Tình nguyện vào tâm dịch
Một ngày trung tuần tháng 8, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định đã tiễn 10 chư tăng lên đường tình nguyện tham gia hỗ trợ, phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh Long An.
Thượng tọa Thích Thanh Hùng (Chùa Cổ Lễ), Trưởng đoàn chư tăng tỉnh Nam Định cho biết: “Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19” là công dân Việt Nam và là tu sĩ Phật giáo, chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm và tấm lòng phục vụ người bệnh. Chúng tôi mong rằng những đóng góp nhỏ bé của mình sẽ góp sức vào công tác phòng chống dịch của tỉnh Long An nói riêng và cả nước nói chung”.
Thượng tọa Thích Quảng Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nam Định cho rằng: Trong sự nghiệp phát triển đất nước hôm nay, các tăng, ni, phật tử luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Giáo hội đoàn kết, trang nghiêm, “Hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh”.
Gần 2 năm qua dịch bệnh đã gây ra nhiều khó khăn cho đời sống nhân dân, nhiều nhà chùa, tăng, ni, phật tử đã đi đầu phong trào thiện nguyện, phát tâm công đức cùng nhân dân phòng, chống dịch.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết: “Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự đồng tình, chung sức, chung lòng chống dịch của toàn dân với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau"; Phật giáo Việt Nam đã phát huy khối đại đoàn kết dân tộc cùng nhân dân cả nước chống dịch. Trong lúc cao điểm, dịch bùng phát, hàng trăm tình nguyện viên là tăng ni, tu sĩ, tín đồ, các tôn giáo trên địa bàn TP Chí Minh đã tình nguyện tham gia vào đội ngũ tuyến đầu chống dịch tại bệnh viện hồi sức chuyên sâu COVID-19, bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 10 và số 12. Đây mới chỉ là đợt một, số lượng sẽ còn các đợt tiếp theo dưới sự điều phối của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Điều đó chính là minh chứng rõ nét cho tinh thần "thương người như thể thương thân" của đồng bào ta”.
Nhiều tình nguyện viên phật giáo, trong đó có các tăng ni, phật tử phát tâm đăng ký chăm sóc bệnh nhân F0 tại bệnh viện dã chiến. Nhiều ngôi chùa đã xung phong trở thành bệnh viện dã chiến, những chiếc máy thở, những phòng áp lực âm, những trang thiết bị y tế cần thiết đã được Giáo hội trao tặng thông qua Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
“Phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật"
Tại Bệnh viện dã chiến số 10, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), gần 50 nữ tăng ni, phật tử đã tình nguyện phục vụ, chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Tất cả đều tâm nguyện yêu thương đồng bào, xuất phát từ trái tim đầy nhiệt huyết, muốn được phục vụ, cống hiến sức lực của mình cho Tổ quốc, cho Giáo hội trên tinh thần “Phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật".
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Vinh, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 10, bệnh viện có 3.000 giường và hiện đang điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Cả bệnh viện có 15 bác sĩ, hơn 70 điều dưỡng và hơn 50 nhân sự ngoài y tế. Nhờ có sự hỗ trợ của các tình nguyện viên, trong đó các tín đồ tôn giáo có ý nghĩa rất đặc biệt, thậm chí góp phần giúp nhiều bệnh nhân giải tỏa tâm lý nặng nề, tiêu cực khi mắc bệnh.
Sư thầy Thích Thanh Đạo, Thiền viện Trúc Lâm Bình Phước cho biết: Bệnh nhân COVID-19 không có người thân bên cạnh, khi được hỗ trợ, hỏi thăm cảm thấy đón nhận được tình yêu thương nên cũng mau bình phục. Nhìn nhiều người được xuất viện mừng vui, cảm ơn thì cả bác sĩ và các tình nguyện viên đều thấy ấm lòng. Nhiều tăng ni cũng chia sẻ, mới đầu làm tình nguyện vào bệnh viện dã chiến chưa quen công việc, bỡ ngỡ nên các tình nguyện viên còn lo lắng. Thời gian sau được các bác sĩ bệnh viện hướng dẫn, khi quen việc, mọi người thấy không quá khó khăn, đáng sợ như ban đầu.
"Lúc đầu mới vào ai cũng lo sợ, nhưng khi gặp gỡ, chăm sóc cho bệnh nhân rồi thì không còn sợ. Chăm bệnh nhân ai cũng chăm được, chỉ cần có tấm lòng”, sư thầy Thích Thanh Đạo cho hay.
Giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, nhiều bệnh nhân không khỏi hoang mang, lo lắng, thì sự có mặt của các tăng ni, phật tử ở bên cạnh động viên, an ủi sẽ là liều thuốc tinh thần rất lớn, tiếp thêm sức cho người bệnh vượt qua bệnh tật. Không chỉ sư thầy Thích Thanh Đạo mà tất cả các tình nguyện viên đều luôn mong muốn, chờ đợi ngày bệnh viện dã chiến này và các bệnh viện khác được giải thể, lúc đó có nghĩa là hết bệnh nhân.
Không chỉ xung phong thực hiện theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngoài việc hỗ trợ tiền mặt, rất nhiều ngôi chùa trong cả nước đã chuyển hàng trăm tấn rau củ quả và nhu yếu phẩm để chuyển vào những vùng tâm dịch. Ngoài ra, Trung ương Giáo hội và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành cùng tín đồ phật tử đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID-19.
Để góp phần chia sẻ những khó khăn với các lực lượng, bệnh nhân đang ngày đêm chống dịch, trong thời gian qua nhiều chùa, cơ sở thờ tự thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã hưởng ứng phong trào “Bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch”. Bình quân mỗi ngày có hàng chục nghìn suất ăn tại những bếp ăn từ thiện được đưa tới các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tại TP Hồ Chí Minh.
Tại bếp ăn thiện nguyện đặt ở Trường tiểu học Lương Thế Vinh, phường Bình Thọ, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) do Đại đức Thích Minh Đạo - trụ trì chùa Nam Thiên Nhất Trụ tổ chức, mỗi ngày phục vụ từ 4.000 - 6.000 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân ở các bệnh viện dã chiến, lực lượng chống dịch, người dân và sinh viên khó khăn ở TP Hồ Chí Minh và Bình Dương.
Đại đức Thích Minh Đạo cho biết: Bếp ăn được mở từ đầu tháng 7, hiện cung cấp mỗi ngày hai suất ăn sáng và chiều cho các địa điểm. Lực lượng nấu ăn của bếp là các tình nguyện viên, đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ. Các đầu bếp là các giáo viên lâu nay nấu cơm cho trường tiểu học Lương Thế Vinh…
Tấm lòng từ bi, bác ái lan tỏa trong tâm các đại đức, chư tăng mang trong mình dòng máu Lạc - Hồng không nề hà bất kỳ công việc gì được giao từ thu gom rác thải y tế nguy hiểm, đưa cơm cho các bệnh nhân, cho bệnh nhân ăn, động viên bệnh nhân đã là việc làm thường xuyên của những người con Phật.