"Hộ quốc an dân"
Ngày 1/8, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản đề nghị tăng, ni, phật tử các chùa tiếp tục tích cực hơn nữa thực hiện và lan tỏa phong trào bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cho biết: Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, các tăng, ni, phật tử toàn quốc hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng chung sức đồng lòng giúp đỡ nhân dân vùng tâm dịch, chia sẻ vật chất, ủng hộ tiền và lương thực, thực phẩm cho nhân dân. Các ngôi tự viện ở ở khắp mọi miền đất nước như chùa Ích Minh (Bắc Giang); Việt Nam quốc tự, Phổ Minh (TP Hồ Chí Minh) hay Trung tâm Phật giáo Bình Dương đã và đang trở thành bệnh viện, nơi cách ly cho người dân.
“Lúc bình thường, mọi người đến chùa lễ Phật để tu tâm, dưỡng tính. Nhưng khi đất nước có hoạn hạn, chùa lại là nơi cưu mang giúp đỡ nhân dân vượt qua đại dịch COVID-19”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho hay.
Đặc biệt, các chùa, cơ sở tự viện trong vùng tâm dịch mỗi ngày đã làm hàng ngàn xuất cơm từ thiện yêu thương gửi đến đồng bào khó khăn, những người yếu thế trong xã hội, cũng như quan tâm đến các y, bác sỹ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang, các tình nguyện viên nơi tuyến đầu chống dịch… thể hiện lòng từ bi của đạo Phật và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Thượng tọa Lý Minh Đức, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phòng chống dịch COVID-19, thời gian qua Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng và Ban trị sự Phật giáo tỉnh Sóc Trăng nói chung cùng với Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng đã kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ giúp đỡ cho đồng bào dân tộc Khmer cũng như người dân khắc phục khó khăn để phòng, chống dịch COVID-19.
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đang bùng phát ở 19 tỉnh, thành phía Nam, nhà chùa đã trích kinh phí phát tâm tặng khẩu trang và nước sạch khuẩn, đồ ăn cho các phật tử. Được biết, ở chùa Som Rong nơi Thượng tọa Lý Minh Đức trụ trì, trong gần 2 năm qua đã hỗ trợ hàng chục tấn gạo phát tâm cho người dân để phòng, chống dịch.
“Trong dịp mùa An cư kiết hạ Phật lịch 2565, Phật giáo Nam tông Khmer có chủ trương không tập trung đông người, các vị sư tăng An cư kiết hạ đã ngồi niệm Phật tại chùa và thực hiện mỗi người cách cách nhau 2 mét, đeo khẩu trang, mặt nạ có kính chắn giọt để đảm bảo an toàn phòng dịch”, Thượng tọa Lý Minh Đức cho hay.
Làm việc thiện với đức tâm nhà Phật
Cũng theo Thượng tọa Lý Minh Đức, thời gian qua Phật giáo Nam tông Khmer không chỉ hỗ trợ nhân dân thực phẩm mà các Ban trị sự Phật giáo còn hỗ trợ kinh phí đóng góp vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 để Nhà nước mua vaccine để sớm tiêm cho người dân phòng chống dịch.
“Tôi rất đồng cảm với những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch là các bác sĩ, công an và kể cả đoàn thanh niên đã ra quân phòng, chống dịch; nhất là lực lượng làm công tác tại các chốt nơi biên giới, hải đảo”, Thượng tọa Lý Minh Đức.
Trong văn bản gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố; tăng, ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi toàn thể tăng, ni, phật tử thực hiện nghiêm nội dung Công điện 1063/CĐ-TTg: Ai ở đâu ở đấy; đồng thời, tiếp tục thực hiện cấm túc, tụng kinh cầu nguyện dịch bệnh sớm tiêu trừ, quốc thái dân an.
Tăng, ni, các chùa, cơ sở tự viện tiếp tục tập trung ủng hộ nguồn lực hướng về 19 tỉnh, thành phố phía Nam trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân. Các chùa, cơ sở tự viện trong vùng tâm dịch tiếp tục tích cực hơn nữa tổ chức thực hiện và lan tỏa phong trào “Bữa cơm yêu thương” trong vùng tâm dịch gửi đến đồng bào khó khăn, những người yếu thế trong xã hội an tâm ở yên một chỗ, cũng như quan tâm động viên đến các y, bác sỹ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang, các tình nguyện viên nơi tuyến đầu chống dịch…
Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng: “Thời nào cũng thế, mỗi khi quốc gia, dân tộc gặp hoạn nạn những người dân Việt Nam lại phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống cứu người. Đây không phải là việc mới mà được kế thừa từ những tình cảm, những tâm nguyện của đạo Phật từ xưa đến nay và mãi mãi về sau”.
Cũng theo Hòa thượng Thích Thanh Quyết, sự hỗ trợ vật chất của các nhà chùa ủng hộ các bệnh viện mua máy thở hay đóng góp vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ tuy chưa phải là nhiều nhưng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam đó là con số không phải là dễ có.
“Riêng tỉnh Quảng Ninh đã ủng hộ cuộc chiến chống COVID-19 hàng tỷ đồng với trách nhiệm rất cao. Và không chỉ ủng hộ kinh phí mà các tăng, ni, phật tử còn tham gia hiến máu cứu người… Hay cả những việc làm mà bình thường Phật giáo ít khi tham gia như làm nhà đại đoàn kết, giải phóng mặt bằng để xây dựng khu vực bệnh viện dã chiến... Phật giáo đều tham gia rất tích cực”, Hòa thượng Thích Thanh Quyết cho hay.
Sự giúp đỡ của Phật giáo Việt Nam thông qua các chùa, cơ sở tự viện các tỉnh, thành phố ngoài vùng dịch ủng hộ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, rau, củ, quả… hàng hóa thiết yếu gửi tới các chùa trong vùng dịch để tổ chức các bữa cơm yêu thương phục vụ người dân trong lúc khó khăn được cấp ủy và chính quyền các cấp ghi nhận.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho rằng, để những nghĩa cử cao đẹp của đạo Phật được lan toả, trong quá trình tổ chức thực hiện các Phật sự, cần có sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương các cấp, lực lượng phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong các hoạt động thiện nguyện. “Hơn lúc nào hết, Chư tôn đức tăng, ni, đồng bào phật tử đoàn kết chung tay, vững tin vào sự lãnh đạo của các cấp chính quyền để sớm vượt qua và chiến thắng đại dịch, để cuộc sống trở lại bình an”, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi.