Những người 'chia lửa' cùng tuyến đầu trong khủng hoảng COVID-19 ở Thái Lan

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Thái Lan, nhiều người đã tình nguyện góp sức giúp đỡ những trường hợp mắc bệnh gặp khó khăn, chia sẻ gánh nặng cùng các y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên vận chuyển bình ôxy cho một bệnh nhân mắc COVID-19 ở Bangkok, Thái Lan hôm 5/8. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin CNA, hồi tháng 4, video phát trực tiếp của Kunlasub Up Wattanaphon, 34 tuổi, huyền thoại làng thể thao điện tử Thái Lan, đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

“Tôi sắp không thể gắng gượng nữa rồi. Tôi đang tự cách ly nhưng tôi không nghĩ mình sẽ vượt qua được”, anh nói trong video. Wattanaphon đã cố tìm cách hỗ trợ y tế điều trị COVID-19 suốt hơn một tuần trong vô vọng và tình trạng của anh ngày càng xấu đi, với các triệu chứng như ho nhiều và khó thở.

Wattanaphon kể lại những gì mình trải qua với nỗi tuyệt vọng: “Bệnh viện không nhận tôi. Các đường dây nóng đều không hoạt động. Tôi phát trực tiếp như thế này mong bạn bè có thể giúp tôi. Làm ơn giúp tôi”.

Ngày hôm sau, Wattanaphon được nhập viện nhưng chức năng phổi của anh chỉ còn 20%. Anh đã không qua khỏi 2 ngày sau đó. Buổi phát trực tiếp trên Facebook cuối cùng không chỉ ghi lại những khoảnh khắc đau đớn của Wattanaphon mà còn khiến hệ thống y tế Thái Lan bị đưa vào tâm điểm chú ý.

Vào thời điểm đó, quốc gia Đông Nam Á đang trải qua sự bùng phát của làn sóng COVID-19 tồi tệ nhất từ trước đến nay. Biến thể Delta lây lan nhanh chóng từ những khu phố ăn chơi sầm uất nhất thủ đô Bangkok tới các cộng đồng dân cư nghèo, những nhà tù chật chội và các khu ký túc xá tồi tàn của công nhân. Số ca nhiễm tăng vọt đã biến thủ đô trở thành tâm dịch, gây áp lực lớn chưa từng có cho hệ thống y tế công cộng của nước này.

Giữa bối cảnh đó, các nhóm tình nguyện do những người dân thường lập nên, đã bắt tay hành động, chia sẻ gánh nặng với hệ thống y tế, giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất.

Chú thích ảnh
Các tình nguyện viên đến thăm một bệnh nhân COVID-19 ở Bangkok Ảnh: Reuters 

Đối với người dân Bangkok, một ngày mới sẽ bắt đầu bằng những thông tin về hàng nghìn ca mắc COVID-19 mới, nhưng đối với Kamonlak Mahmud Anusornweeracheewin, một cựu tử tù, một ngày của ông bắt đầu bằng cuộc chạy đua với thời gian để cứu càng nhiều sinh mạng càng tốt.

Mahmud ra tù sau 15 năm 10 tháng thụ án với các tội danh liên quan đến ma túy. Ban đầu, ông bị tuyên tử hình nhưng sau đó giảm xuống chung thân và nỗ lực cải tạo tốt đã giúp Mahmud được tự do. Hiện tại, ông tham gia tình nguyện trong nhóm phản ứng COVID-19 mang tên Zendai, chuyên hỗ trợ những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Nhiều người trong số họ đã lớn tuổi, suy nhược và sống một mình, không có người thân chăm sóc.

Mahmud, 41 tuổi, hiểu rõ nỗi khổ khi bị bỏ rơi như thế nào. Ông cũng biết rõ cảm giác khi được trao thêm một cơ hội trong cuộc đời giữa lúc không còn hy vọng là vô cùng đáng quý.

“Bất cứ khi nào gặp trường hợp nghiêm trọng, tôi đều thấy đồng cảm với họ.Vì vậy, nếu có cơ hội giúp đỡ họ, tôi sẽ không chần chừ”, ông chia sẻ.

Zendai có vai trò như một cầu nối giữa bệnh nhân và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Nhóm tình nguyện được thành lập vào tháng 4, ngay sau cái chết của Wattanaphon, bởi những người không muốn câu chuyện của anh lặp lại.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên Mahmudmặc một bộ đồ bảo hộ trong quá trình làm việc. Ảnh: Zendai

Zendai đã cung cấp hỗ trợ y tế cho hàng chục nghìn người tại Bangkok và các tỉnh lân cận. Trang Facebok của nhóm nhận khoảng 1.000 yêu cầu trợ giúp mỗi ngày, từ nhờ chuyển viện tới tìm giường bệnh, chưa kể đến khoảng 1.000 yêu cầu khác từ đường dây nóng. Các tình nguyện viên đã cung cấp dịch vụ chuyển viện khẩn cấp cho những người bị nhiễm virus nhưng không thể tự đi lại. Zendai cũng hỗ trợ những người cần chăm sóc y tế cơ bản và cung cấp xét nghiệm nhanh trong cộng đồng địa phương.

Cả ngày lẫn đêm, các tình nguyện viên đi khắp Bangkok thăm những bệnh nhân mắc kẹt tại nhà, mang thực phẩm, thuốc men và bình ôxy, đến cho họ.

Người đồng sáng lập Zendai Chris Potranandana cho biết: “Hệ thống y tế công cộng đã thực sự quá tải. Sứ mệnh của Zendai không chỉ là giúp đỡ mọi người, chúng tôi còn muốn hỗ trợ nhà chức trách quản lý hệ thống y tế một cách hiệu quả”.

Chú thích ảnh
Các tình nguyện viên Zendai hỗ trợ một bệnh nhân COVID-19 ở Bangkok. Ảnh: Zendai

Với 130 tình nguyện viên, Zendai đã cứu sống được không ít bệnh nhân khi hệ thống y tế của Bangkok bị quá tải. Chiến dịch mới nhất của họ là thiết lập các điểm xét nghiệm miễn phí ở những khu vực khác nhau của thủ đô. Nếu bất kỳ ai có kết quả dương tính, họ có thể chọn tự cách ly tại nhà và được hỗ trợ từ xa do Zendai và Hiệp hội Chữ thập Đỏ Thái Lan phối hợp thực hiện. Nếu không, Zendai sẽ giới thiệu họ tới các bệnh viện phù hợp.

“Chúng tôi là bên trung gian, kết nối bệnh nhân với bệnh viện, cả viện công lẫn viện tư”, ông Chris cho biết.

Chú thích ảnh
Các tình nguyện viên đến thăm một bệnh nhân COVID-19 ở Bangkok Ảnh: Reuters 

Dữ liệu từ Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan cho biết dịch COVID-19 tại Bangkok diễn biến nghiêm trọng hơn so với các tỉnh khác. Kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, Thái Lan đã ghi nhận trên 1,36 triệu ca mắc và 25% trong số này được ghi nhận tại thủ đô. Bangkok cũng báo cáo trên 5.400 ca tử vong, chiếm 39% cả nước.

Nhiều tháng đối phó với dịch bệnh đã khiến thủ đô cạn kiệt nguồn lực y tế. Hành lang bệnh viện chật kín bệnh nhân COVID-19 và vẫn còn nhiều người khác đang xếp hàng chờ nhập viện. Dù tình hình tại Bangkok đã cải thiện với số ca nhiễm đang có xu hướng giảm, vẫn còn rất nhiều bệnh nhân trong cộng đồng cần đến hỗ trợ khẩn cấp từ các tình nguyện viên.

Công việc của tình nguyện viên Mahmud vẫn tiếp diễn hàng ngày suốt 5 tháng qua. Với ông, mỗi phút đều có ý nghĩa sống còn. Ông lái một chiếc xe cấp cứu chở bệnh nhân vào các buổi sáng và túc trực hàng đêm, sẵn sàng phản ứng khi có ca bệnh nặng. Công việc tuy mệt mỏi nhưng nó mang lại cho ông nhiều niềm vui.

“Nếu tôi chậm trễ, dù chỉ một chút, tình trạng bệnh của họ có thể trở nên nghiêm trọng và không thể cứu chữa được nữa. Đôi khi, có người còn tử vong ngay sau khi chúng tôi đến nhà. Bất cứ khi nào nhìn thấy ai đó đau khổ và bị bỏ lại, tôi như thấy chính mình trước đây. Tôi rất vui vì có thể giúp đỡ mọi người”, ông chia sẻ.

Hải Vân/Báo Tin tức
Singapore quyết sống chung với COVID-19 dù ca mắc mới tăng mạnh
Singapore quyết sống chung với COVID-19 dù ca mắc mới tăng mạnh

Singapore cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi lộ trình sống chung với COVID-19, với việc giới chức nước này định ra kịch bản số ca mắc mới có thể lên đến 2.000 ca/ngày trong vài tuần tới, tăng mạnh so với mức 400 ca/ngày hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN