Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Philippines và Việt Nam. Đông Nam Á hiện là điểm dịch nóng nhất châu Á.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh. Có thể nói Indonesia đã qua đỉnh dịch này.
Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức cao và ca mắc mới cao thứ ba khu vực và tăng mạnh trở lại.
Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động. Tuy nhiên, trong ngày 13/9, Malaysia tiếp tục không công bố số liệu dịch bệnh.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố ố liệu dịch bệnh. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.
Thái Lan là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 13/9 ghi nhận thêm trên 12.000 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 132 người, giảm nhẹ so với mức của mấy ngày trước đó.
Campuchia có xu thể tăng trở lại so với mấy ngày trước đây, với 629 bệnh nhân mới và 9 ca tử vong trong một ngày qua. Song Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 244.002 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 854 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng vượt ngưỡng 11 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 9,8 triệu trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 6/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Diễn biến dịch COVID-19 ngày 13/9 tại Đông Nam Á:
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Indonesia |
4,170,088 |
+2,577 |
139,165 |
+276 |
3,931,227 |
Philippines |
2,248,071 |
+20,745 |
35,307 |
+163 |
2,032,471 |
Malaysia |
1,979,698 |
|
20,711 |
|
1,721,710 |
Thái Lan |
1,394,756 |
+12,583 |
14,485 |
+132 |
1,248,158 |
Việt Nam |
624,547 |
+11,172 |
15,660 |
+274 |
385,778 |
Myanmar |
431,833 |
|
16,530 |
|
380,474 |
Campuchia |
100,133 |
+629 |
2,049 |
+9 |
94,326 |
Singapore |
71,687 |
|
58 |
|
68,188 |
Lào |
17,555 |
+198 |
16 |
|
5,568 |
Brunei |
4,163 |
|
21 |
|
2,647 |
Indonesia tiếp nhận thêm 9,5 triệu liều vaccine của hãng Sinovac
Ngày 12 và 13/9, Indonesia đã tiếp nhận thêm 3 lô vaccine thành phẩm ngừa COVID-19 với tổng cộng 9,5 triệu liều, nâng tổng số vaccine mà nước này sở hữu cho tới nay lên 240 triệu liều.
Cụ thể, lô 58 với tổng cộng 2.296.960 liều vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) đã được chuyển đến Indonesia vào ngày 12/9 thông qua Cơ chế COVAX. Lô 59 và lô 60 được bàn giao trong ngày 13/9, trong đó lô 59 với 5 triệu liều do Indonesia đặt mua từ hãng Sinovac và lô 60 với 2.295.680 liều vaccine Sinovac được phân phối qua Cơ chế COVAX.
Ngoài việc đảm bảo nguồn cung vaccine, Chính phủ Indonesia tiếp tục tăng cường các nỗ lực nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm chủng. Tính đến hết ngày 12/9, 72.876.368 người tại nước này đã được tiêm mũi thứ nhất và 41.785.594 người đã hoàn thành liệu trình tiêm vaccine.
Cũng trong ngày 13/9,, Indonesia thông báo ghi nhận thêm 2.577 ca mắc COVID-19, mức mắc mới trong ngày thấp nhất kể từ ngày 15/5, nâng tổng số ca lây nhiễm tại quốc gia này kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào đầu tháng 3/2020 lên 4.170.088 ca.
Lực lượng đặc trách ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ nước này cũng công bố có thêm 276 ca tử vong do COVID-19, mức thấp nhất kể từ ngày 17/6, nâng tổng số người không qua khỏi lên 139.165 người. Hôm 10/9, Tổng thống Joko Widodo tuyên bố Indonesia sẽ đạt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 70% dân số vào cuối năm nay.
Đa số trường hợp tử vong tại Thái Lan chưa được tiêm chủng
Một khảo sát do Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) thuộc Bộ Y tế Thái Lan thực hiện cho thấy số người đã được tiêm chủng đầy đủ ở nước này tử vong vì dịch COVID-19 chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với tỷ lệ những người chưa được tiêm phòng.
DDC Thái Lan đã theo dõi hồ sơ tiêm chủng của 13.637 trường hợp tử vong trên toàn quốc và phát hiện ra rằng 1.967 người trong số đó, tương đương 14,4%, đã được tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên.
Cuộc khảo sát cho thấy có 107 trường hợp tử vong ở những người đã tiêm hai liều, chỉ chiếm 0,8% tổng số, trong khi 8.803 trường hợp tử vong, tương đương 64,6%, là những người chưa được tiêm phòng. Có 2.760 trường hợp tử vong, tương đương 20,2%, không thể phân loại trong bất kỳ nhóm cụ thể nào do không có hồ sơ tiêm chủng trong cơ sở dữ liệu hoặc do thông tin mâu thuẫn.
Tuy nhiên, DDC không chia nhỏ các số liệu cho các loại vaccine khác nhau đang được sử dụng ở Thái Lan. Cuộc khảo sát được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 25/7 đến ngày 9/9, trong đó những người từ 60 tuổi trở lên chiếm đa số. Kết quả được Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) công bố ngày 13/9.
Hơn 60% số người tử vong được khảo sát ở vùng đô thị Bangkok mở rộng và 5% ở các tỉnh biên giới phía Nam. Đây được coi là những khu vực nguy hiểm nhất bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Đến nay, hơn 27 triệu người trên khắp Thái Lan đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và khoảng 12 triệu người đã được tiêm mũi thứ hai. Tính đến ngày 12/9, chỉ có 7/77 tỉnh ở Thái Lan, gồm thủ đô Bangkok, Pathum Thani, Samut Sakhon, Samut Prakan, Chachoengsao, Chon Buri và Phuket, đã có hơn một nửa dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19.
Thái Lan sáng 13/9 thông báo ghi nhận 12.583 ca nhiễm mới, mức thấp nhất kể từ ngày 21/7, nâng tổng số các ca nhiễm từ trước tới nay lên 1.394.756, trong đó có 1.248.377 bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục. Nước này cũng ghi nhận thêm 132 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 từ đầu đại dịch lên 14.485.
Lào ghi nhận các cụm dịch trong cộng đồng tại nhiều tỉnh
Ngày 13/9, Bộ Y tế Lào thông báo, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 198 ca mắc mới COVID-19, trong đó 94 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 104 ca cộng đồng. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 17.555 ca, trong đó có 16 người tử vong.
Bộ Y tế Lào nhấn mạnh tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, trong khi nhiều tỉnh ở Lào vẫn tiếp tục ghi nhận các cụm dịch trong cộng đồng. Các trường hợp nhiễm bệnh làm việc trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều người là cán bộ tuyến đầu, đặc biệt có một số trường hợp không rõ nguồn lây.
Bộ Y tế Lào cho biết một số địa phương đang được xem xét nâng cấp độ nguy cơ lây nhiễm nếu tiếp tục không áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt và người dân không hợp tác trong việc tuân thủ nghiêm các nguyên tắc phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh.
Tổng số ca mắc tại Campuchia vượt 100.000 ca
Bộ Y tế Campuchia ngày 13/9 thông báo ghi nhận thêm 629 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 123 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này kể từ đầu mùa dịch đến nay vượt ngưỡng 100.000 ca (cụ thể là 100.133 ca).
Bộ trên cũng thông báo thêm 9 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong vì COVID-19 tại Campuchia lên 2.049 ca. Trong số các tỉnh có số ca mắc COVID-19 ở mức cao, tỉnh Battambang bị tác động mạnh nhất với ít nhất 252 ca mắc mới tại ổ dịch chợ Kamrieng trên địa bàn tỉnh này.
Diễn biến dịch COVID-19 tại Campuchia có xu hướng xấu đi kể từ ngày 10/9 với số ca nhiễm tăng trong số lao động Campuchia trở về từ Thái Lan và số ca nhiễm biến thể Delta tại Phnom Penh cũng như trên cả nước tiếp tục tăng. Trong thời gian từ ngày 31/3-9/9, Viện Pasteur Campuchia phát hiện tổng cộng 3.731 ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 tại 24/25 tỉnh, thành trên cả nước.